Giá gas trong nước tăng quá cao nên gas “đểu” đang hoành hành dữ dội. Đã xuất hiện tình trạng trộn hóa chất nguy hiểm vào gas để làm tăng trọng lượng
Giá gas thế giới hồi đầu tháng 1-2012 tăng lên 880 USD/tấn (tăng 85 USD/tấn so với tháng trước) nên từ đó đến nay, giá gas bán lẻ trong nước cũng đã nhiều lần tăng, có thời điểm lên đến 32.000 đồng/bình 12 kg, giá gas bán lẻ trên thị trường lên đến 383.000 - 395.000 đồng/bình 12 kg, tùy doanh nghiệp (DN).
Gian lận hoành hành
Chưa dừng lại ở mức trên, thông tin từ các công ty kinh doanh gas cho biết hiện giá gas thế giới tiếp tục tăng thêm 30 USD/tấn. Do đó, từ đầu tháng 2 tới, giá gas bán lẻ sẽ vượt hơn 400.000 đồng/bình 12 kg.
Giá gas bán lẻ trong nước cao ngất ngưởng (gần 400.000 đồng/bình 12 kg) đã tạo cơ hội cho gas “đểu”, gas dỏm hoành hành. Do hưởng lợi cao, chỉ cần ăn gian 1 kg gas sẽ bỏ túi khoảng 33.000 đồng. Một bình gas 12 kg chỉ cần ăn gian vài ký cũng sẽ bỏ túi hơn 100.000 đồng. Vì vậy, tình trạng bán gas thiếu trọng lượng đến 5 - 6 kg hiện khá phổ biến, tiền lời từ khoản thu bất chính này lên đến hơn 200.000 đồng/bình gas.
Cơ quan chức năng TPHCM đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh gas trái phép, thiếu trọng lượng
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết gần đây, các trạm sang chiết gas tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An mọc lên như nấm và hoạt động ì xèo. Những trạm chiết gas này nhận bơm gas cho mọi đối tượng, trong đó phần lớn là những người kinh doanh gas trái phép sử dụng vỏ bình chiếm dụng của các hãng gas lớn. Họ dùng cả tem, niêm màng co giả. Theo yêu cầu của mối hàng, họ sẵn sàng bơm thiếu gas từ 2 - 3 kg/bình.
Ăn “dày” hơn là các đối tượng sang chiết gas lậu từ bình 45 kg sang bình 12 kg. Do thao tác dễ, nhanh gọn, bất kể ở đâu cũng làm được, cơ quan chức năng khó phát hiện nên hình thức này ngày càng nở rộ, nhất là vào dịp cận Tết. Chúng thường tổ chức người “rải” tờ rơi khuyến mãi tận nhà (kể cả giả danh các công ty kinh doanh gas lớn) như tặng bột giặt, dao, chảo, tô chén… Chủ nhà thấy khuyến mãi hấp dẫn nên dễ dàng sập bẫy, mua nhầm gas thiếu trọng lượng từ 4 - 6 kg/bình.
Đề nghị kiểm tra chất DME
Gần đây, Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cảnh báo các DN kinh doanh gas trong nước rằng đã phát hiện một số công ty nhập khẩu từ Trung Quốc một loại gas mà “không phải là gas”, đó là chất dimethyl ether (DME).
Có DN nhập khẩu cả tàu với số lượng hàng trăm tấn loại gas này. Loại chất này thường dùng để làm dung môi trong bình xịt sơn, xịt muỗi… có mức giá rẻ hơn khí hóa lỏng (gas) khoảng 100 USD/tấn. Gần đây, chất này được nhập khẩu để trộn vào gas theo tỉ lệ 10% hoặc 20% nhằm làm tăng trọng lượng tương ứng. Với cách pha trộn này, giới kinh doanh sẽ hưởng thêm khoảng 30.000 - 60.000 đồng/bình 12 kg.
Theo giới chuyên môn, chất DME còn được nhiều trạm sang chiết gas làm ăn gian dối mua trữ để bơm cho khách hàng với giá chỉ khoảng 250.000 đồng/bình 12 kg. DME khi được bơm vào bình gas sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng do tính chất ăn mòn, lâu ngày sẽ làm hư hỏng vỏ bình gas và các linh kiện cao su dẫn đến dễ bị rò rỉ gas, gây cháy nổ. Chưa hết, do DME có áp suất thấp, nhiệt thấp nên khi sử dụng nhầm loại gas có trộn chất này sẽ không hiệu quả, thiệt hại cho người sử dụng. Đặc biệt, khi bình gas còn vài ký thì gas không còn đủ áp suất, dẫn đến lãng phí.
Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản gửi các DN thành viên trong hiệp hội khuyến cáo không được phép pha trộn DME vào sản phẩm gas. Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý các trường hợp pha trộn chất này vào sản phẩm khí hóa lỏng để tránh thiệt hại cũng như bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Cao gần gấp 2 lần giá thế giới
Theo tính toán của giới chuyên môn, giá gas thế giới 880 USD/tấn, tương đương 18.000 đồng/kg. Nếu tính cả các chi phí vận chuyển, bảo hiểm, thuế nhập khẩu, tỉ giá thì giá gas về đến các cảng ở TPHCM khoảng 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá gas sẽ được cộng thêm các chi phí khác như khấu hao vỏ bình, kho bãi, chi phí kinh doanh, lợi nhuận DN, chiết khấu đại lý… nên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đã bị đẩy lên đến khoảng 33.000 đồng/kg, tức cao gần gấp 2 lần so với giá gas thế giới. |
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI
NLDO