Tờ Le Figaro số ra ngày 31/1 đăng bài viết "Jong Nam, người khuấy động triều đại nhà Kim," mô tả tình trạng người con cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, với nhận định ông này nay đang lo bị ám sát vì phê phán sự tàn bạo của những người thân.
Kim Jong Nam (ngoài cùng bên phải) trong một bức ảnh chụp với gia đình. Ảnh: Hoàn Cầu
Hiện đang sống tại Macau, Kim Jong Nam có thể tìm cách sang tị nạn tại Pháp, nếu tình hình trở nên nguy hiểm hơn.
Kim Jong Nam, 40 tuổi, được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của an ninh Trung Quốc, sau khi suýt bị ám sát ít nhất hai lần, vào năm 2004 tại Vienna và năm 2009 tại Bắc Kinh.
Tính mạng của Kim Jong Nam ngày càng bị đe dọa, đặc biệt sau khi ông đưa ra tuyên bố lên án "thế hệ độc đoán thứ ba" tại Triều Tiên, ám chỉ chế độ do em trai ông, Kim Jong Un, đứng đầu.
Yoji Gomi, phóng viên tờ Tokyo Shimbun, một người thân cận với Kim Jong Nam, cho biết hiện ông này không còn dám đi ăn tối trong thành phố hay đi du lịch.
Cuốn sách "Kim Jong Il, cha tôi và tôi" của Kim Jong Nam vừa được phát hành cuối tháng Giêng tại Nhật Bản, đã bán được 100.000 bản chỉ trong vòng một tuần. Theo đánh giá của Le Figaro, việc phát hành sách này là biện pháp được Kim Jong Nam dùng để ngăn ngừa một âm mưu ám sát mới của Bình Nhưỡng. Thông điệp ở đây là "nếu các người tấn công ta, ta sẽ tiết lộ tất cả".
Cũng theo Le Figaro, dù không có sự ủng hộ trong nước, nhưng Kim Jong Nam lại được Bắc Kinh bảo trợ, bởi theo giới lãnh đạo Trung Quốc, người con cả của Kim Jong Il được coi là một nhân vật có khả năng thay thế cho người em Kim Jong Un, trong trường hợp người này thất bại trong việc điều hành quốc gia.
* Trong một diễn biến khác, đài KBS dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho biết số lượng tàu thuyền của Triều Tiên xếp thứ tư trong số các tàu vận chuyển vũ khí hoặc ma túy bất hợp pháp bị phát hiện trên thế giới trong 20 năm qua.
Theo báo cáo về thực trạng vận chuyển bất hợp pháp trên biển của viện trên, trong số tàu thuyền vận chuyển vũ khí, ma túy bất hợp pháp bị phát hiện từ năm 1991 đến năm ngoái, số tàu thuyền của Triều Tiên chiếm 4,8%, đứng thứ tư sau Đức với 19,5%, Hy Lạp 10,6% và Mỹ 7,8%.
Nhưng nếu tính đến việc những người trên tàu như chủ tàu, có liên quan trực tiếp hoặc hợp tác tích cực trong hoạt động vận chuyển bất hợp pháp này thì Triều Triên chỉ đứng thứ hai sau Hy Lạp.
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng để tránh bị truy bắt và tránh chế tài của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên thường sử dụng vài tàu, đi theo đường vòng qua nhiều hải cảng, hoặc kê khai giả hóa đơn tài chính và hàng hóa trên tàu.
Đặc biệt để tránh mạng lưới giám sát quốc tế, tên và hàng gửi trên những tàu vận chuyển đó được thay đổi liên tục.
( theo BeeNet )