Chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm, nhưng ít ai ngờ rằng mỗi chú tép thủy sinh nhỏ xíu có giá lên tới cả nghìn…đô.
Hàng nghìn đô… một con tép
Một chú tép king kong có khả năng biến đổi màu, theo giới nuôi tép cảnh có giá lên tới cả nghìn đô. Ảnh: diendancacanh.
Thú chơi tép cảnh đã phổ biến trong Nam từ vài năm trước nhưng tại Hà Nội mới chỉ rộ lên thời gian gần đây.
Tép thủy sinh cảnh có khá nhiều loại với các tên gọi khác nhau như cherry đỏ, ong, cọp, kinh kong, mũi đỏ, chấm trắng, xanh lá, bí vàng…Trong đó, loại được nuôi phổ biến và giá cả vừa túi tiền nhất là loại Cherry đỏ khoảng 20.000 đồng – 40.000 đồng/con. Đắt hơn là tép ong, trên thân của chúng được chia thành từng khoang trắng, đỏ/đen rõ rệt, trông rất bắt mắt, khi mới xuất hiện vài năm trước, loài này được định giá gần 100 USD/con. Tuy nhiên, do tép ong sinh sản khá tốt nên hiện chỉ khoảng 70.000 đồng – 150.000 đồng/con tùy hạng và xuất xứ, tép ong Nhật thường có giá đắt hơn.
Còn những loại tép thủy sinh thuộc hàng “VIP” như kinh kong, tép cọp thì có "mê" tép cảnh đến mấy, nhiều người cũng phải lắc đầu lè lưỡi bởi giá của nó được tính bằng hàng nghìn USD, phải dân “đại gia” mới dám chơi. Hơn nữa, chơi tép cảnh phải theo đàn từ vài chục đến vài trăm con trong bể chứ chẳng ai chơi lèo tèo vài con bao giờ bởi loại sinh vật này rất nhỏ.
Theo nhiều người sành chơi, tại nước ngoài, giống tép thủy sinh nước ngọt cũng được bán khá đắt đỏ, phổ biến như tép ong cũng có giá hàng chục euro.
Bảng báo giá tép cảnh trên một trang web nước ngoài./Ảnh: Nhật Nam.
Theo anh Quang, ở Cầu Giấy, Hà Nội, một người đam mê tép thủy sinh thì những con tép cảnh “VIP” xuất hiện ở trong Nam với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Còn tại Hà Nội, vài người mới chỉ chơi tép ong. “Nuôi tép cảnh không phải đơn giản, nếu không cẩn thận chết hết như chơi, nhất là với thời tiết ngoài Bắc, nên ít người ở Hà Nội dám bỏ ra số tiền lớn như thế để chơi những con như kinh kong hay cọp”, anh Quang cho hay.
Anh Tuấn Dũng ở D4, Trung Tự, Hà Nội, người đang sở hữu hàng trăm con tép ong đỏ, ong đen. “Chơi tép cảnh trong Nam mới phổ biến chứ ngoài này thời tiết thất thường, rất khó nuôi, nhiều người thích cũng không dám mua nên hiếm nơi cung cấp”.
Chiếc bể thủy sinh chứa những con tép quý hiếm của anh Dũng được đặt ngay gần lối vào, cạnh phòng khách. Nếu đứng cách bể khoảng 5 – 6 mét, chỉ quan sát được vài cây rong rêu, phiến đá, sỏi…trong bể. Chỉ khi chủ nhân của nó bật đèn trong bể và đứng gần lại mới thấy hàng trăm con tép chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm với những khoang trắng, đỏ, trắng đen đang bơi lội tung tăng, một vài con nằm lẫn trong đám rong rêu phải dồn hết nhãn lực mới thấy được.
Nhìn những con tép ong nhỏ xíu, ít ai nghĩ nó có giá cả trăm nghìn đồng một con. Anh Dũng cho biết đã nuôi tép cảnh gần một năm nay, hiện trong bể của anh có khoảng 150 con tép ong đỏ và đen. Số tép này được anh đặt mua trong Sài Gòn rồi ship ra Hà Nội theo đường máy bay.
Trong 150 con tép ong của anh Dũng có đủ hạng, tùy vào màu sắc mà phân ra s, ss và sss. Trong đó, ong hạng sss thân màu trắng chỉ có một vòng đỏ/đen phía gần đầu và có chấm đỏ/đen phía trên là đắt nhất bể, có giá khoảng 120.000 đồng/con, còn hạng s giá khoảng 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg. Tính ra, riêng tiền tép trong bể của anh Dũng cũng ngót ngét cả chục triệu đồng.
Khó như chăm… tép
Không chỉ tốn tiền mua tép mà người chơi còn phải chi ra cả đống tiền phục vụ cho sự tồn tại của chúng như lắp điều hòa, trang trí bể, tiền thức ăn…
Anh Nam ở phố Bạch Mai, Hà Nội đang nuôi khoảng 90 con tép cherry đỏ và tép ong cho biết đã chi gần 20 triệu đồng cho chiếc bể chứa tép cảnh. Còn chiếc bể của anh Tuấn Dũng cũng ngốn mất hơn 15 triệu đồng. Chưa kể thức ăn cho tép còn khá đắt đỏ, một lọ thức ăn của Nhật chỉ 25g có giá tới 330.000 đồng, các loại của Đài Loan, Malaysia... cũng có giá tương đương.
Thức ăn nhập khẩu cho tép cảnh của anh Tuấn Dũng, một lọ 25g có giá tới 330.000 đồng. Ảnh: Nhật Nam
Nhưng người trong giới mê tép cảnh cho biết, không phải cứ vung tiền ra là có được bể tép cảnh trong nhà bởi nuôi loài thủy sinh đắt đỏ này tốn không ít công phu. Chính vì vậy mà người Hà Nội dù thích cũng không dám chơi loại giá nghìn đô bởi với thời tiết miền Bắc, sơ sẩy một chút, nghìn đô có thể tan biến trong một đêm.
Anh Tuấn Dũng cho hay, từ khi mới tập tành chơi tép, anh đã phải “hy sinh” hơn 100 con tép ong do chưa biết cách chăm sóc.
Còn số tép của anh Quang đã phải “ra đi” do khổ chủ non kinh nghiệm cũng lên tới gần 100 con. “Ban đầu, khi mới nuôi, mình chưa biết cách điều chỉnh nhiệt độ, độ PH trong bể nên đàn đầu tiên 40 con chết sạch sau 5 ngày đưa về. Đàn thứ 2 khoảng ngần ấy con cũng chết dần chết mòn, nhìn mà xót hết cả ruột. Đến đàn thứ 3, mình vào tận TP HCM, mất gần 2 tuần học cách chăm sóc chúng từ một anh bạn chuyên về tép ong, số tép bị chết mới dừng lại. Bây giờ thì mình có thể tự tin về kinh nghiệm chăm sóc cái giống “đỏng đảnh” này”, anh Quang chia sẻ.
Theo anh Quang, với tép cảnh, bể nuôi phải lắp hệ thống điều hòa để đảm bảo nhiệt độ nước lúc nào cũng ở mức 23 - 26 độ. Nền đáy bể phải dùng phân đất của Nhật hoặc lá bàng để giữ ổn định độ PH ở mức 6,6 - 7. Một điều rất quan trọng là nên trồng cây thủy sinh nhằm ổn định chất lượng nước và tạo môi trường tự nhiên cho tép đồng thời phải thay nước đều đặn, nhất là với những ai nuôi ong đỏ bởi chúng rất dễ bị ngộ độc nitrate, yêu cầu nước chất lượng cao để sống khỏe và thay vỏ. Thay 30% nước mỗi tuần. Ngoài ra, hệ thống lọc, chiếu sáng…cũng phải có những tiêu chuẩn riêng.
Nếu như người nuôi cá rồng, loài cá cảnh nghìn đô còn có lý do về mặt phong thủy tốt cho gia đình, làm ăn, buôn bán thì tép thủy sinh lại không có ý nghĩa về mặt này. Người chơi tép đơn giản chỉ vì…thích. “Mình có sở thích nuôi cá cảnh từ bé, ở nhà đã có sẵn một bể cá nhưng đến khi nhìn thấy loài tép này thì như bị thôi miên, nhìn cái thích ngay và muốn nuôi bằng được. Chỉ người nào thích mới thấy được cái cảm giác thích thú khi chăm sóc và ngắm chúng bơi lội trong bể. Còn khi chúng "mang bầu" thì thực sự chủ nhân là người bận rộn, lo lắng đến mất ăn mất ngủ”, anh Quang cười nói.
Một số hình ảnh về tép thủy sinh cảnh tại bể của anh Tuấn Dũng:
Nếu nhìn qua,chỉ quan sát được vài cây rong rêu, phiến đá, sỏi…trong bể.
Chỉ đến khi tiến sát lại, quan sát kỹ mới thấy những chú tép nhỏ xíu lẫn trong đám rong rêu.
Khi anh Dũng cho thức ăn vào trong bể...
Hàng trăm con tép ong bắt đầu túa ra.
Theo Nhật Nam/Đất Việt