"Khi tàu bị lốc xoáy đánh chìm, năm anh em chúng tôi bấu vào 3 chiếc phao. Lúc này trời tối như mực, tất cả đều nghĩ sẽ khó có cơ hội sống sót trở về. Mọi người còn dặn nhau nếu ai may mắn còn sống thì nhớ chăm sóc, giúp đỡ vợ con, cha mẹ già những người không thoát khỏi".
Lời kể những người sống sót
Chiều ngày 24/4, 3 nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu do gặp lốc tố vào 2h sáng ngày 21/4 tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã được tìm thấy. Đau đớn thay, cả 3 người chết đều là ruột thịt, thân thích với nhau, trong đó ông Trần Văn Hội là bố nạn nhân Trần Đình Quỳnh và một người cọc chèo lấy em vợ ông Hội là Lê Công Thành.
Tàu của ông Trần Đình Hội được mua từ năm 2009, do mấy anh em ông chung vốn. Ngày 12/4, như thường lệ, sau những ngày nghỉ lấy lại sức, ông cùng 11 thuyền viên nhổ neo cho tàu ra khơi đánh cả. Cả 11 thuyền viên trên tàu đều là anh em bà con.
“Ở đây nhà nào có thì tự mua tàu thuê người đi đánh, còn không thì anh em chung với nhau một con tàu rồi đi chung, được bao nhiêu về chia nhau”, một người dân ở xã Quỳnh Lập cho hay. Tàu ông Hội cũng vậy, hôm đi đánh cá nhà ông có 3 người gồm ông và hai anh em sinh đôi Trần Đình Quỳnh và Trần Đình Diễn.
Vượt qua quãng đường xa xôi, các thuyền viên trên tàu thống nhất địa điểm đánh cá là ở đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, cách đất liền chừng 20 hải lý. Sau nhiều ngày đánh cá thắng lợi, mỗi lần như thế tàu ông Hội lại cập cảng Quảng Trị bán cá cho thương lái rồi tiếp tục ra khơi.
Chiếc tàu gặp nạn được đưa vào gần bờ nhưng đã gãy đôi, hư hỏng hoàn toàn. Người nhà đang tiếp cận xem trên tàu còn những gì có thể tận dụng được để đem về.
Đến ngày 19/4, tàu của ông quăng trúng phải dãy đá ngầm nên lưới bị rách nát, không thể tiếp tục đánh bắt, ông Hội lệnh cho anh em nhổ neo về nhà nghỉ ngơi, vá lại đồ nghề để tiếp tục lên đường.
Lúc bắt đầu ra về thì gió biển bình thường, trời lặng không có biểu hiện giông tố. Thế nhưng, khi tàu về gần cảng lạch Cờn, xã Quỳnh Lập, nơi lâu nay tàu ông và bà con dân xã Quỳnh Lập vẫn neo đậu, thì bất ngờ gặp cơn lốc xoáy.
Lúc đó là khoảng 2h kém ngày 21/4, một cơn gió thật mạnh làm sóng lớn dần, đến lúc sóng cao đến nỗi đánh úp qua luôn cả chiếc tàu. Trong tích tắc chưa đầy một phút thì tàu đã bị cơn lốc xoáy đánh chìm. Ông Hội chỉ kịp hô lên một tiếng “anh em mặc áo phao vào đi”.
"Lúc này em là người cuối cùng chui từ trong khoang lên, vừa bước lên khỏi khoang được 3 bước chân thì tàu đã chìm. Em kịp vớ được 3 chiếc phao rồi gọi to” bố ơi, anh ơi phao nè!”, tuy nhiên không thấy ai trả lời" - Trần Đình Diễn, người may mắn sống sót kể lại giây phút tàu bị lốc xoáy đánh chìm.
Do lúc này trời tối, mưa to, gió lớn, sóng cuồn cuộn nên những người còn sống cố gọi xem ai thoát nạn nhưng không nghe thấy gì cả. Được khoảng 20 phút sau thì Diễn và 4 người nữa gồm: Trương Văn Lý, Hoàng Văn Kim, Trương Đình Hiếu, Hồ Văn Thế tìm được nhau.
Họ cùng bíu vào 3 chiếc phao vớ được, tất cả đều nghĩ rằng khả năng sống sót rất ít vì trời thì vẫn mưa, tối như mực, giữa biển rộng mênh mông như thế thì ai biết mà cứu. Tệ hơn, do trời rét, anh em ai cũng bị chuột rút. Họ chỉ còn cách động viên nhau, bóp chân cho nhau đỡ bị chuột rút với một hi vọng mong manh là mình được cứu sống.
“Nói thật là chúng tôi không nghĩ mình có thể trở về nữa. 5 anh em còn động viên nhau, nếu ai may mắn sống sót trở về thì hãy cố gắng chăm sóc động viên vợ con, cha mẹ già cho những người chết ra đi yên tâm”- anh Hoàng Văn Kim nhớ lại những giây phút tuyệt vọng trôi nổi trên biển.
Diễm kể lại giây phút sinh tử vật lộn với sóng biển giành sự sống khi tàu bị đánh chìm
May mắn thay, lúc tàu chìm được khoảng 3 tiếng, trời tờ mờ sáng, mưa đã tạnh, ngớt gió thì có một tàu của ngư dân Quỳnh Tiến cũng đang vào bờ, thấy anh Trương Quang Tùng và Lê Hội Tứ là 2 trong 11 thuyền viên trên tàu bị nạn liền tổ chức cứu vớt. Khi được vớt lên, anh Tùng liền mượn điện thoại điện về nhà thông báo tàu bị chìm.
Ngay sau đó người nhà đã huy động thêm nhiều tàu ra địa điểm tàu bị đánh chìm và cứu được thêm 5 thuyền viên đang bíu vào 3 chiếc phao, còn một người tên Hồ Văn Vui thì được một tàu khác cứu sống. Lúc về đến đất liền thì mọi người mới tá hỏa là còn 3 người gồm cha con ông Hội và anh Thành vẫn chưa tìm thấy.
Mọi người tiếp tục ra khơi đi tìm. Hơn chục chiếc thuyền lớn nhỏ tìm cả một ngày 22/4 vẫn không thấy tăm hơi những người mất tích. Đến sáng ngày 23/4, gia đình thuê thợ lặn từ Thanh Hóa vào trục vớt tàu thì phát hiện thi thể anh Quỳnh bị quấn dưới tàu. Nạn nhân sau đó được đưa vào bờ để về mai táng. Đến chiều ngày 24/4, thi thể ông Hội và anh Thành cũng được tìm thấy khi nổi trên nước. Con tàu bị nạn cũng được vớt vào nhưng đã bị hư hỏng hoàn toàn, sóng đánh gãy đôi.
Nỗi đau tang chồng tang
Mấy ngày nay, không khí tang tóc luôn bao trùm lên căn nhà chị Trương Thị Nga, vợ ông nạn nhân Hội và cũng là mẹ của anh Trần Đình Quỳnh. Nghe tin tàu bị nạn, chị và đứa con út cùng anh em hớt hải chạy ra bờ lạch Cờn ngóng tin từ đội cứu nạn.
Lần lượt thi thể anh Quỳnh và ông Hội được đưa về hai ngày sau đó. Thế nhưng chị Nga không còn sức để dậy nhìn mặt chồng, con.
Đến đầu giờ chiều, chị gượng dậy vứt bỏ dây kim chuyền đang cắm trên tay bò đến bên xác chồng gào lên thảm thiết: “Anh ơi sao anh và con lại rủ nhau mà đi thế. Em và hai đứa nó giờ sống sao đây. Gia đình chỉ biết dựa vào đồng tiền đánh cá và con thuyền đó, giờ đây người mất của mất thì mẹ con em biết sống răng được.? Em không cần của đâu, em chỉ cần anh và con về với mẹ con em là được rồi, anh ơi...”.
Tiếng khóc của chị như cứa vào tim gan những người có mặt. Hầu hết anh em, bà con trong xóm đều rơi nước mắt khóc theo.
Hai cha con mất đã là nỗi đau quá lớn với gia đình nhỏ bé ấy. Tang lại chồng tang, buổi sáng dân làng vừa tiễn đưa thi thể anh Quỳnh về nơi an nghỉ cuối cùng. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, họ lại phải rồng rắn đưa thi hài ông Hội ra đi.
Hai di ảnh trên một bàn thờ, thật có nỗi đau nào hơn thế?
Chúng tôi có mặt tại nhà ông Hội, không khí tang tóc vẫn đang bao trùm lấy ngôi nhà nghèo nhỏ bé ấy. Lúc này anh em bà con vẫn đang tập trung ở đây rất đông. Họ đến động viên, chia buồn cùng gia quyến và cũng là để túc trực chị Nga, động viên chị gắng gượng để lo cho hai đứa con còn lại.
Không những mất người mà bao nhiêu của cải trong gia đình cũng đã đi theo sóng biển. Để có được con tàu đó, gia đình chị Nga đã phải chạy vạy ngoài vay ngân hàng còn phải vay lãi cao ở trong dân để đủ tiền góp mua tàu. Thế nhưng tai nạn định mệnh đã cuốn đi tất cả. Những ngày qua gia đình còn phải vay tiền thuê thợ lặn trục vớt tàu và tìm thi thể hai cha con ông Hội hết hơn trăm triệu.
Giang Uyên
Theo infonet