Từng là biểu tượng cho kinh tế tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu nhưng với sự kiện Bạc Hy Lai vừa qua, Trùng Khánh lại cho thấy đây không còn là mô hình mà Trung Quốc theo đuổi trong tương lai.
Dưới thời ông Bạc Hy Lai còn làm lãnh đạo, tỷ lệ tăng trưởng trung bình của Trùng Khánh từ năm 2007 đến 2011 là 15,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức 10,5% của cả nước. Tuy nhiên, để có được tốc độ tăng trưởng như vậy, thành phố 29,2 triệu dân này cũng phải trả giá.
Đầu tư vào tài sản cố định tăng lên mức 84% GDP của thành phố trong năm 2010, cao hơn nhiều so với mức 66% của Trung Quốc. Khi Bạc Hy Lai bắt đầu lên lãnh đạo, tỷ lệ chỉ là 62%. Tỷ lệ các khoản nợ ngân hàng so với sản lượng tăng từ 112% lên 131%.
Do tăng trưởng xuất khẩu của vùng ven biển Trung Quốc bị chậm lại, số lượng hàng hóa của Trùng Khánh xuất ra nước ngoài tăng mạnh. Có vị trí chiến lược trên sông Trường Giang, cùng với sự đầu tư của các hãng sản xuất lớn của nước ngoài như Ford Motor và Hon Hai, xuất khẩu của Trùng Khánh tăng mạnh với tỷ lệ 160% trong năm 2011.
Nếu như những điều trên khiến Trùng Khánh giống với Trung Quốc trong quá khứ với mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu và đầu tư thì giờ đây Trùng Khánh đang trở nên hoàn toàn khác biệt. Trùng Khánh có vị trí là cửa ngõ dẫn vào vùng nội địa vẫn chưa được khám phá ở phía Tây Trung Quốc. Khu vực này có rất nhiều điểm tương đồng với vùng biển phía Đông Trung Quốc cách đây 10 năm.
Các cơ sở hạ tầng của vùng ven biển phía Đông đã được hoàn thiện, Tuy nhiên, nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở những vùng chưa phát triển lân cận với Trùng Khánh thì vẫn còn đó. Ngân hàng thế giới ước tính lượng vốn/công nhân ở Trung Quốc chỉ bằng 8,7% so với ở Mỹ. Hầu hết nhu cầu về phương tiện vận chuyển, hệ thống điện và nước đều tập trung ở các tỉnh nằm sâu trong đất liền.
Lương tăng lên khiến lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của phía Đông giảm đi, nhưng ở Trùng Khánh và các vùng lân cận, chi phí nhân công vẫn là khá thấp. Mức lương trung bình ở Trùng Khánh năm 2011 là 34.700 nhân dân tệ (tương đương 5.510 USD), chỉ bằng với mức lương ở Quảng Châu hồi năm 2005.
Đối với những công ty phải chịu chi phí cao hơn ở phía Đông nhưng lại vẫn muốn giữ vị trí ở thị trường Trung Quốc, việc chuyển dịch về đất liền có vẻ là một sự lựa chọn hấp dẫn, kể cả khi chi phí vận tải cao hơn có thể làm giảm đi lợi nhuận có được do mức lương thấp. Thị trường trong nước giờ đây đang dần trở nên quan trọng. Ford đã chọn Trùng Khánh bởi muốn lấy thị trường Trung Quốc làm trọng tâm.
Sự kiện Bí thư Bạc Hy Lai bị cách chức là một dấu hiệu không mấy tốt đẹp cho quá trình cải cách chính trị ở Trung Quốc. Song, nếu nhìn vào kinh tế Trùng Khánh thì có thể dễ dàng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa phải là cạn kiệt.
Thu Hương
Theo TTVN/WSJ