Bước vào mùa nắng nóng cũng là lúc các loại nước giải khát bình dân liên tục được đưa ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Sản xuất không kịp bán
Những ngày gần đây, bất kỳ tuyến đường nào tại TP.HCM đều thấy la liệt các điểm bán nước giải khát với đủ loại như sâm lạnh, chanh dây, rong biển, sữa đậu nành, nước, chanh muối... với giá rất bình dân. Người đi đường chỉ cần bỏ ra từ 5-6 ngàn đồng là có một ly nước giải khát mát lạnh. Ghi nhận tại các tuyến đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), Đinh Tiên Hoàng (Q.1), Nguyễn Văn Cừ (Q.5), Võ Văn Ngân (Q.Thủ Đức)... chúng tôi thấy các điểm bán nước giải khát tại đây liên tục “hết hàng”. Bà Nguyễn Thị Chút, chuyên bán sâm lạnh trên đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết những ngày vừa qua trung bình một ngày bà bán hơn 200 ly sâm lạnh với giá 6 ngàn đồng/ ly.
Mùa nóng năm nay, các loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe như: dưa hấu, mãng cầu, bưởi, vải... được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả. Nắm bắt thị hiếu này, nhiều cơ sở chế biến các loại nước giải khát nhanh chóng chuyển hướng sản xuất. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở này đưa ra thị trường ngàn hàng lít nước giải khát thành phẩm thông qua hàng trăm điểm bán lẻ bình dân xuất hiện khắp nơi tại TP.HCM.
Nước giải khát bình dân luôn thu hút khách
Ông Huỳnh Văn Chi, chủ cơ sở chế biến các loại nước giải khát có nguồn gốc thiên nhiên tại quận Thủ Đức, cho biết: “Những ngày qua, cơ sở của tôi sản xuất ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Thời gian tới, dự báo sẽ tăng cao do các kỳ thi quan trọng sắp được tổ chức tại TP.HCM. Hiện chúng tôi đang tìm thêm nguồn nguyên liệu, thuê thêm nhân công... để sản xuất với số lượng lớn hơn”.
Ngoài ra, những ngày qua, chúng tôi ghi nhận sự lên ngôi của các loại nước giải khát bình dân được đóng chai, ướp lạnh. Khảo sát thực tế tại nhiều tuyến đường tại các quận 1, quận 5, quận 10, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận... Kinh hoàng chúng tôi thấy các loại nước giải khát chủ yếu được đóng chai là chanh dây, bưởi, vải, dưa hấu... Theo bà Trần Thị Ba, chuyên bán các loại nước giải khát đóng chai tại tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cho biết: “Những ngày qua tôi liên tục được người tiêu dùng hỏi mua các loại nước vải, nước bưởi được đóng chai, ướp lạnh. Ngày hôm nay, tôi bán được 90 chai nước giải khát các loại với giá 6 ngàn đồng/chai”.
Kinh hoàng “công thức sản xuất”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại nước giải khát bình dân để được ra các điểm bán lẻ thì phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn chế biến như: sơ chế, ép lấy nước, pha chế, lọc tạp chất, đóng chai... Hơn nữa, nếu muốn có một ly nước hoặc chai nước giải khát nguyên chất thì giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với các loại nước giải khát của các công ty nước giải khát trên thị trường. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế thì giá thành của các loại nước giải khát này vô cùng rẻ.
Trong vai một người muốn lấy nước giải khát về bán, chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến nước giải khát T.C. (quận Thủ Đức). Xưởng sản xuất khá ẩm thấp, các loại trái cây bỏ la liệt khắp nơi, 5 công nhân tại đây liên tục hốt các loại trái cây đã được sơ chế loại vỏ cho vào máy xay, xát kề bên nhà vệ sinh lúc nào cũng mở cửa. Sau khi thu được thùng nước ép trái cây thành phẩm, các công nhân chuyển sang khu vực pha chế và đóng chai.
Thấy người lạ đứng nhìn, 1 công nhân tại khu vực pha chế bỏ vội bịch ni lông có chứa chất bột màu trắng vào góc tường. Khi được ông chủ giới thiệu là bạn hàng, công nhân này mới tiếp tục công việc của mình. Hỏi nhỏ một công nhân đang sơ chế vỏ, người này tiết lộ: “Hóa chất tạo ngọt cho nước trái cây ép đó. Cứ 1 thùng nước ép thành phẩm 20 lít thì bỏ 2 thìa hóa chất”.
Khi hỏi lý do vì sao các loại nước giải khát trái cây lại rẻ như vậy? G., một công nhân tại cơ sở sản xuất cho hay: “Bất kỳ cơ sở chế biến nước giải khát trái cây nào cũng đều giữ cho mình một công thức chế biến riêng để cạnh tranh về giá với các cơ sở khác. Mấy ngày gần đây, các cơ sở chế biến nước giải khát đang truyền tai nhau về một gói chất bột màu trắng (nghe nôm na là chất tạo kết tủa đường), chỉ cần bỏ 1-2 thìa vào thùng nước ép thì nước trái cây vừa ngon, ngọt và rất đậm đà. Đây chính là bí quyết sản xuất nước giải khát trái cây để hạ giá thành xuống mức thấp nhất”.
Ông T., một “ôm trùm” sản xuất nước giải khát bình dân trước đây đã giải nghệ cho hay: “Các công thức chế biến nước giải khát thời điểm trước đây giờ đã lạc hậu so với thời điểm hiện nay. Thông tin từ một số người bạn vẫn đang chế biến nước giải khát số lượng lớn thì công thức chế biến hiện này gồm 15 lít nước + 5 lít nước cốt trái cây + 2 thìa chất tạo kết tủa đường + 1 thìa hóa chất bảo quản + 1 thìa tạo mùi hương trái cây (tùy loại). Đa số các loại hóa chất này được mua từ chợ hóa chất Kim Biên (quận 5)”.
Từ thông tin của ông T., cung cấp, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên, ghi nhận tại đây thấy có đủ các loại hóa chất, hương liệu tạo mùi hương từ chanh, tắc, bưởi, cam... được bày bán công khai với giá từ 10-20 ngàn đồng đồng/gói. Các chất dùng để pha nước giải khát bày bán ở chợ Kim Biên hầu hết đều không rõ nguồn gốc, không địa chỉ, tên cơ sở sản xuất.
Tích bệnh vào người
Mới đây Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM tổ chức tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt loại nước giải khát bình dân có mặt trên thị trường, trong đó tập trung nguyên cứu các loại nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đa số các loại nước giải khát bình dân trên thị trường TP.HCM đều có chứa vi khuẩn E.Coli, một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lị, tiêu chảy và vi khuẩn chỉ thị nhiễm phân. Ngoài ra, báo cáo còn chỉ rõ hai loại vi khuẩn không được phép có trong nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên là vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn kị khí cũng đều có trong nhiều loại nước giải khát được bày bán trên vỉa hè.
Bác sĩ Phạm Xuân Hồng, bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết những ngày gần đây có rất nhiều ca cấp cứu do ngộ độc các loại nước giải khát bình dân. Do các ca ngộ độc này phát hiện sớm nên được chữa trị kịp thời, nhưng nếu để lâu thì người bị ngộ độc sẽ tử vong rất nhanh. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay đa số các loại hóa chất có trong thức uống đường phố thường không biểu hiện ngộ độc ngay mà gây ra những tác hại lâu dài như mắc các bệnh về xơ gan, ung thư, vô sinh...a