Trung Quốc vẫn là người khổng lồ châu Á về tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), Bắc Kinh thiếu một cơ chế để chuyển sự "bất mãn xã hội" thành động lực cho cải cách.
|
Thượng Hải – thành phố là biểu tượng cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
|
Những số liệu kinh tế mới nhất về Trung Quốc đem đến một số tin khá tốt: lạm phát giảm, tiêu dùng tăng nhẹ và xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên bức tranh tổng thể vẫn u ám. Tăng trưởng trong khu vực sản xuất công nghiệp và đầu tư cho tài sản cố định vẫn chậm chạp.
Nhận định như trên không có nghĩa là tư tưởng của trường phái “Trung Quốc sẽ sụp đổ”, theo đó nền kinh tế Trung Quốc là một mô hình Ponzi (Mô hình Ponzi là trò lừa đảo bằng cách vay tiền của người này để trả nợ người khác) dựa trên sự mở rộng tín dụng trên diện rộng. Các vụ đầu tư sai trái hoặc thậm chí là có gian lận tiếp tục lộ diện và các khoản nợ “chết” của ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Tuy vậy, Bắc Kinh có đủ năng lực tái vốn hóa hệ thống ngân hàng ít nhất một lần nữa.
Câu hỏi thực sự được đặt ra ở đây là liệu hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể chịu nổi sức ép xã hội do tình trạng tăng trưởng chậm lại gây ra hay không..
Vấn đề trung tâm của Bắc Kinh không phải bản thân tình trạng tăng trưởng chậm mà là sự kết hợp giữa kì vọng lớn và sự bất mãn đối với sự bất công trong phân phối thành quả của tăng trưởng.
Dư luận ngày càng tin rằng hệ thống phân phối chỉ phục vụ lợi ích cho một số nhóm có quan hệ và điều đó đã khiến tình trạng bất công trong thu nhập của Trung Quốc lớn đến mức không thể chịu đựng nổi.
Ngay trong lúc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, các doanh nghiệp nhà nước lại tiếp tục nở rộ. Nhiều doanh nghiệp vẫn có dư tài chính lớn do độc quyền về giá cả và không phải trả lại lợi nhuận cho nhà nước. Các doanh nghiệp này được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng và họ còn có nguồn cung đất ở mức giá thấp.
Các nhà quản lý của những doanh nghiệp đó ngày càng giàu có. Theo báo cáo Hurun, báo cáo chuyên đưa ra danh sách những người giàu có ở Trung Quốc, 70 đại biểu quốc hội giàu có nhất của Trung Quốc sở hữu khối lượng tài sản thuần khoảng 89,9 tỷ đô la. Trong khi đó, 660 quan chức quyền lực nhất thuộc toàn bộ chính phủ Mỹ chỉ sở hữu 7,5 tỷ đô la.
Trong lúc đó, khu vực tư nhân Trung Quốc là thành phần phải chịu gánh nặng của sự suy giảm tăng trưởng. Chịu sức ép của chi phí lao động ngày càng tăng và cầu nước ngoài suy yếu, các công ty vừa và nhỏ tại các trung tâm kinh doanh như khu vực Ôn Châu lại khó có thể tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng chỉ ưu đãi các doanh nghiệp có quan hệ chính trị tốt.
Trước đây, khi kinh tế tăng trưởng nhanh, chính quyền Trung Quốc có thể xoa dịu được những bất mãn trên. Các chính sách của Bắc Kinh đặc biệt là hệ thống hạn chế cấp hộ khẩu thường trú đã làm giảm cơ hội cho các công nhân nhập cư. Tuy vậy, công việc xây dựng tại các khu đô thị cũng đã giúp những người nghèo từ các khu vực nông thôn cải thiện thu nhập và gửi tiền về cho gia đình.
Nhưng đến nay, ngành công nghiệp xây dựng của Trung Quốc đã suy giảm thì các cơ hội đó đang cạn kiệt dần. Khi giá hàng hóa giảm đi thì nhưng công việc như thu hoạch bắp cải không còn là lựa chọn cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Và có lẽ điều nguy hiểm nhất đối với chính quyền Trung Quốc là các cử nhân sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Động thái tự do hóa một phần lãi suất cho vay là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh hiểu rằng cần phải cải cách.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn bằng con đường kiềm chế tài chính: giữ lãi suất cho vay ở mức thấp hơn lạm phát để những doanh nghiệp đi vay có quan hệ tốt có thể tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Nếu lãi suất cho vay được thị trường qui định thì nó sẽ tăng thu nhập cho người cho vay và đưa hoạt động vay mượn tuân theo các qui luật thương mại. Tuy nhiên, động thái tự do hóa lãi suất của Trung Quốc vừa qua chỉ là một bước đi nhỏ và sẽ phải mất nhiều năm mới có tác dụng.
Trong khi đó, nhà chính trị học Minxin Pei nhận xét rằng các trí thức Trung Quốc đang ngày càng bạo dạn hơn khi chất vấn về mối quan hệ giữa hệ thống chính trị và kết quả kinh tế.
Hiện Bắc Kinh vẫn đang có nguồn tài chính đáng kể để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nên sẽ là quá vội vàng nếu cho rằng chiếc xe kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bị lật.
Không có tự do báo chí và dân chủ thực sự, Trung Quốc sẽ không có con đường nào để chuyển sự giận dữ của công chúng thành nền tảng cho chính sách được người dân ủng hộ. Một số lực lượng phương Tây ủng hộ Trung Quốc thì cho rằng thiếu dân chủ lại là một lợi thế giúp Trung Quốc ra các quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm của Trung Quốc đang thách thức quan điểm đó.
Tùng Lâm