Xem để thấy trân trọng hơn những gì mình đang có.
1. Bãi rác Bantar Gebang - Jakarta, Indonesia
Thị trấn có 2.000 hộ dân nghèo khổ đang sinh sống này thực chất là một "ngọn núi rác", rộng hơn 110ha. Bantar Gebang là bãi chứa lớn nhất đất nước "vạn đảo" với hơn 6.000 tấn rác được luân chuyển tới mỗi ngày.
Rác thải trở thành nguồn sống ở đây, mọi người phụ thuộc vào nó để sinh tồn. Tất cả các vật dụng tìm được ở khu bãi rác này đều được người dân tái sử dụng, thậm chí, ngay cả thức ăn thừa cũng được họ nấu lại để ăn. Làm việc quần quật ở bãi rác cả ngày nhưng thu nhập của cư dân địa phương chỉ khoảng 30.000 rupiah/ngày (khoảng 65.000 VNĐ).
Những đứa trẻ ở đây hầu như không được đi học mà phải lao động để phụ giúp gia đình. Làm việc trong môi trường ô nhiễm, không quần áo bảo hộ, nguy cơ nhiễm bệnh da liễu và hô hấp của cư dân nơi đây rất lớn.
2. Núi Smokey - Manila, Philippines
Nằm ở Thủ đô Manila, núi Smokey vốn là một bãi xử lí rác thải hơn 50 tuổi. Smokey có nghĩa là “núi khói”, cái tên này gắn liền với những đám cháy thiêu hủy rác đã trở thành “thương hiệu”.
Năm 1995, chính phủ Philippines quyết định đóng cửa nơi này, san bằng nhà cửa của những người dân địa phương. Tuy nhiên, theo ước tính, có khoảng hơn 30.000 người vẫn cố gắng bám trụ lại. Họ sống trong các căn lều dựng tạm, giữa những đống rác lớn ô nhiễm.
Vào thập niên 80, những tấn rác theo các xe tải tới đây hàng ngày chính là vị cứu cánh cho biết bao mảnh đời cơ cực. Trẻ em ở đây thường không có cơ hội đến trường, thay vào đó, chúng phải lao động cả ngày trên bãi phế liệu cũ và nhặt nhạnh đồ thừa.
3. Khu vực Ulingan - Manila, Philippines
Bên cạnh núi Smokey, Manila còn nổi tiếng với bãi chứa rác Ulingan, thuộc quận Tondo. Từ người già cho tới trẻ em, tất cả đều phải quần quật lao động mới đủ ăn tại một nơi như thế này.
Ở đây, người dân chủ yếu sống nhờ vào các phế liệu, kim loại nhặt được tại các bãi rác lớn và công trình bỏ hoang. Hầu như ai cũng mắc bệnh hô hấp do phải sống trong môi trường khói than độc hại.
May mắn thay, khu Ulingan đang nhận được sự quan tâm lớn từ các tổ chức từ thiện. Một quỹ phúc lợi tư nhân của Philippines đã đầu tư cho trẻ em nơi đây được đi học cũng như hỗ trợ sinh hoạt cho người lớn tuổi.
4. Bãi rác Payatas - Quezon, Philippines
Từ nhiều miền quê xa xôi và hẻo lánh, không ít người đã tìm đến thành phố Quezon, Philippines để định cư. Không kiếm được cho mình công việc làm tại chốn đô thị nên họ tới khu ổ chuột bên bãi rác Payatas mong kiếm sống.
Người dân sống ở đây luôn đối mặt hiện hữu với nguy cơ bệnh tật cũng như sự kì thị, phân biệt của xã hội.
Tháng 7/2000, mưa lớn ở Philipines đã gây ra thảm kịch chưa từng có: “Tháp rác” Payatas đổ sập, vùi chết hơn 200 người, phần lớn trong số đó là những người sống nhờ vào nghề nhặt rác.
5. Bãi chứa Dharavi - Mumbai, Ấn Độ
Không giống những khu ổ chuột gần bãi rác khác, mảnh đất Dharavi - nơi tọa lạc của một trong các bãi chứa lớn nhất châu Á lại là một vùng công nghiệp tái chế tương đối chuyên nghiệp với diện tích 175ha.
Mô hình sản xuất ở đây được đánh giá khá hiệu quả, công việc chủ yếu mang lại nguồn sống cho 1,2 triệu dân là tái chế rác thải. Từ 4.000 tấn phế liệu chuyển tới mỗi ngày, cư dân địa phương lựa chọn những sản phẩm làm từ giấy, kính, nhôm, nhựa để sản xuất là chính.
Tuy nhiên, nguy cơ hủy hoại sức khỏe ở đây không hề nhỏ. Theo các chuyên gia, những chất độc trong rác thải có thể làm giảm 40% tuổi thọ con người nếu tiếp xúc với nó quá nhiều.
theo Mask