- “Tên lửa hành trình DH-10 phóng từ tàu chiến có thể tấn công chính xác tầm xa đối với các mục tiêu ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Tờ “Phương Đông” Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho rằng, trên tàu chiến Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình tấn công đối đất DH-10 (Đông Hải-10) có thể gây ra lo ngại về “ngoại giao pháo hạm” cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Loại tên lửa này tương tự tên lửa BGM-109 Tomahawk của Mỹ và tên lửa KH-55 của Nga.
Tên lửa hành trình kiểu mới Trung Quốc.
Những hình ảnh về tên lửa DH-10 phiên bản hải quân đã được công khai. Ống phóng tên lửa lắp trên tàu thử nghiệm nhìn hầu như tương đồng với phiên bản triển khai trên đất liền (lục quân). Bố cục này khiến người ta liên tưởng tới thiết bị phóng kiểu hộp MK-143 dùng cho tên lửa BGM-109 Tomahawk trang bị cho tàu nổi Hải quân Mỹ.
Các tàu chiến như tàu chiến đấu lớp Iowa và tàu khu trục lớp Spruance sử dụng thiết bị phóng MK-143 để phóng tên lửa BGM-109.
Những hình ảnh này cho thấy, tên lửa DH-10 có phương thức lắp đặt giống tên lửa chống hạm YJ-62 hoặc YJ-83.
Đây là ưu thế của tàu chiến đấu mặt nước thế hệ này hiện nay của Hải quân Trung Quốc (PLAN), làm cho các tàu chiến như tàu khu trục tên lửa 052C, bằng cải tạo kết cấu tối thiểu, có thể có khả năng tấn công đối đất.
Nhưng, điểm yếu của bố cục này là dùng tên lửa DH-10 thay thế cho tên lửa chống hạm YJ-62 hoặc YJ-83 sẽ hy sinh một phần khả năng chống hạm. Điều này cũng có nghĩa là nhiều nhất chỉ có thể mang theo 8 quả tên lửa, hơn nữa giả thiết ống phóng có thể đặt chồng lẫn nhau ở phía trên.
Tên lửa hành trình CJ-10 (Trường Kiếm 10) phiên bản lục quân của Trung Quốc.
Mặc dù còn có điểm yếu so với tên lửa hành trình tấn công đối đất phóng thẳng của hải quân nước khác, nhưng việc trang bị tên lửa DH-10 phiên bản hải quân làm cho khả năng của Hải quân Trung Quốc có sự nhảy vọt tương đối lớn.
Sự xuất hiện của tên lửa DH-10 phiên bản hải quân cộng với tên lửa CJ-10 (Trường Kiếm-10) phóng trên không hoặc hệ thống mặt đất (đã biên chế), giúp cho Trung Quốc đã xây dựng được lực lượng tấn công tên lửa hành trình “tam vị nhất thể” hoàn chỉnh.
Tên lửa phóng từ hệ thống mặt đất chỉ giới hạn ở tấn công các mục tiêu xung quanh Trung Quốc, không có nhiều khác biệt so với tầm phóng hạn chế của tên lửa đạn đạo thông thường của Pháo binh 2.
Tên lửa phóng từ máy bay ném bom H-6 của Không quân Trung Quốc đã tạo được phạm vi tấn công lớn hơn và tính linh hoạt tác chiến cao hơn cho tên lửa hành trình Trung Quốc, tương tự với phương thức triển khai tên lửa hành trình cho cụm máy bay ném bom của Mỹ.
Nhưng, nếu không có khả năng tiếp dầu trên không, máy bay H-6 chỉ có hạn chế trong tác chiến mang tính khu vực. Thiết kế lỗi thời và điểm yếu dễ bị đánh chặn của loại máy bay ném bom này cũng là những yếu tố hạn chế.
Mặt khác, Hải quân Trung Quốc là quân chủng duy nhất của Quân đội Trung Quốc có thể điều động lực lượng vượt ra xa ngoài bờ biển Trung Quốc. Mặc dù còn có tranh cãi về việc Hải quân Trung Quốc có thể sẽ không tìm kiếm khả năng điều động toàn cầu như Hải quân Mỹ, nhưng sở hữu tên lửa hành trình tấn công đối đất phóng từ tàu chiến giúp cho tàu chiến Trung Quốc trên thực tế có thể tiến hành tấn công chính xác tầm xa đối với các mục tiêu ở xung quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hải quân Trung Quốc đã có khả năng phóng thẳng tên lửa.
Theo báo chí Trung Quốc, đối với khu vực và các nước láng giềng, tàu chiến đấu mặt nước của Hải quân Trung Quốc hiện có thể tiến hành tấn công đối với Đài Loan, Nhật Bản và một phần khu vực Đông Nam Á, mà không cần mạo hiểm rời xa vùng biển của Trung Quốc.
Các căn cứ quân Mỹ trải khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng có thể dễ bị tên lửa hành trình thông thường tấn công. Các công trình thiết lập ở Guam, Hawaii, Diego Garcia và Darwin, cùng với những công trình nào trước đây có vị trí chiến lược an toàn (trừ phi bị Trung Quốc tấn công hạt nhân) hiện có thể nằm trong tầm phóng của tàu chiến trang bị tên lửa DH-10 của Hải quân Trung Quốc.
Nhưng, phải nhấn mạnh rằng, trong các cuộc xung đột khu vực, tàu chiến Trung Quốc trang bị tên lửa hành trình tấn công dối đất cũng không nhất định sẽ là “đòn sát thủ”. Hiện vẫn chưa rõ Hải quân Trung Quốc sẽ phối hợp thế nào với các quân chủng khác (như Pháo binh 2) khi tiến hành tấn công tên lửa hành trình.
Do số lượng tàu chiến và tên lửa có hạn, Hải quân Trung Quốc độc lập tiến hành tấn công tên lửa hành trình “bão hòa” hoặc liên tục có thể sẽ không thực hiện được, khi biên đội tàu mặt nước của Hải quân Trung Quốc tiếp cận hoặc chiếm lấy vị trí phóng ngoài bờ biển của đối thủ rất có thể bị do thám phát hiện được, liền bị lực lượng phòng không của đối thủ cung cấp đầy đủ tin tức tình báo cảnh báo sớm, thậm chí giúp cho đối thủ phát động tấn công trên biển hoặc trên không một cách kịp thời.
Tàu khu trục 052C Lan Châu, Hải quân Trung Quốc.
Hệ thống phóng thẳng của tàu khu trục 052C, dùng cho vũ khí phòng không tầm xa.
Việc thử nghiệm và phương thức trang bị hiện nay của tên lửa DH-10 chỉ có thể coi là một giải pháp tạm thời.
Hiện nay tất cả các con mắt đều đang chú ý đến tàu khu trục tên lửa 052D, được biết nó là tàu kế tiếp của tàu khu trục tên lửa 052C đang được chế tạo, đồng thời theo dõi Hải quân Trung Quốc có áp dụng hệ thống phóng thẳng thông dụng hay không để phóng tên lửa DH-10.
Theo dõi chặt chẽ sự phát triển của hệ thống trang bị vũ khí dưới lòng biển khơi cũng rất thú vị. Dùng tên lửa hành trình phóng ngầm trang bị cho hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân và thông thường của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu xa.
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)