Cuộc sống ở đây cũng thú vị không kém gì cuộc sống ở những ngọn núi trên cạn...
Dưới đáy sâu của đại dương xanh thẳm chứa đựng những gì? Cuộc sống "tăm tối" ở đó ra sao? Liệu có tồn tại loài sinh vật nào bậc cao hơn chúng ta dưới đó không?... Đây chỉ là số ít trong vô vàn những ẩn số nhân loại đang cố gắng đi tìm lời giải đáp.
Chúng ta hãy cùng các nhà khoa học lặn xuống Thái Bình Dương để chiêm ngưỡng cuộc sống kì thú dưới đáy đại dương quanh núi biển Las Gemelas.
Las Gemelas là hệ thống núi dưới đáy biển nằm gần đảo Cocos, cách phía Nam khu vực Cabo Blanco của Costa Rica khoảng 482km. Đỉnh núi cao nhất ở đây cao tới 2.286m và nằm trọn vẹn dưới đáy Thái Bình Dương.
Giống như các núi biển khác, Las Gemelas thực chất là do các ngọn núi lửa từ dưới đáy đại dương nhô lên hình thành. Nếu vượt qua được mặt biển, chúng trở thành các hòn đảo còn nếu không thể nhô lên được, chúng trở thành các núi biển.
Những miệng núi lửa dưới đại dương khi hoạt động có sức công phá mạnh hơn núi lửa phun trào trên mặt đất rất nhiều. Nước trong các miệng núi lửa dưới biển có thể đạt tới nhiệt độ 400 độ C. Luồng nước nóng giàu chất khoáng bị đẩy vào nước lạnh giá dưới đáy đại dương, tạo ra hiệu ứng giống như khói bốc lên và để lại những cột khoáng chất cao vút. Áp suất cực lớn dưới đáy - gấp khoảng 500 lần so với áp suất khí quyển - giữ cho nước không sôi sùng sục. Bên cạnh đó, việc dự đoán khi nào núi hoạt động rất khó khăn, gây cản trở nhiều cho công việc thám hiểm.
Một con cá mập gai sống ở tầng đáy. Chúng sống giữa các vách đá núi lửa và đường đứt gãy của Las Gemelas. Đây là môi trường lý tưởng cho việc kiếm ăn, vì ở đây có rất nhiều loài cá, động vật giáp xác… cư trú.
Những rạn san hô trải dài sặc sỡ có thể được coi là kì quan thiên nhiên của đại dương. Chúng được coi là nơi cư trú, ẩn náu cho những loài cá. Mang trong mình vẻ đẹp lộng lẫy song kì thực chúng là loài sinh vật đặc biệt, sản sinh ra đá vôi. Khi chết, san hô ở đây chuyển hẳn sang màu trắng.
Ngược lại, cá lại chính là những loài bảo vệ rạn san hô. Tại Thái Bình Dương, các loài cá lớn luôn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do sự đánh bắt quá mức của con người. Những mảnh lưới đánh cá dưới đáy biển như thế này sẽ chẳng mấy chốc kết liễu một hệ sinh thái đa dạng, giàu có.
Bên cạnh san hô thì những khu rừng tảo bẹ tốt tươi quanh các đỉnh núi biển cũng là minh chứng hùng hồn cho thấy cuộc sống dưới đáy đại dương phong phú không kém gì trên mặt đất.
Cận cảnh một chú cá dơi sống quanh miệng núi lửa Las Gemelas. Chúng là loài cá kì dị, ưa sống tại vùng nước tối, đặc biệt bơi rất kém và chủ yếu di chuyển bằng cách lấy vây chân bò như dơi.
Nhóm các nhà khoa học đang lặn xuống Las Gemelas thám hiểm. Thiết bị mà họ sử dụng là tàu ngầm Deepsee có cấu tạo như một hình cầu. Deepsee có khả năng lặn sâu khoảng hơn 450m dưới đáy biển.
Hình ảnh rạn san hô cải bắp bắt mắt nằm ở sườn dốc của một núi biển gần Raja Ampat. Phải mất tổng cộng hơn 50 giờ lặn trong vòng 7 ngày, nhóm nghiên cứu mới thu thập đủ những bức ảnh, thước phim cần thiết như thế này.
Bruce Robinson, nhà khoa học tại viện nghiên cứu Monterey Bay Aquarium, California nhận xét: “Nếu không nằm dưới biển thì cuộc sống quanh núi biển chẳng khác nào một ốc đảo giữa miệng núi lửa cả”.
Tuy thời gian thám hiểm núi Las Gemelas (cả khâu chuẩn bị) lên tới 4 năm nhưng những thành quả gặt hái được sẽ giúp các nhà khoa học lập tiếp một phần bản đồ đáy đại dương trên Trái đất.
theo mask