Vinh danh Di sản ký ức thế giới Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm
Ngày 7/10 tới, tại chùa Vĩnh Nghiêm - Yên Dũng - Bắc Giang, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ chính thức đón Bằng công nhận Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điểm nhấn trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Chiều 6/9, UBND tỉnh Bắc Giang, BTC Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và ngày hội tỉnh Bắc Giang, đã tổ chức cuộc họp báo công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch lớn của tỉnh trong khuôn khổ chương trình Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012.
Buổi họp báo công bố chương trình Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012.
Lễ đón bằng công nhận **Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là điểm nhấn quan trọng nhất của toàn bộ chương trình. Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên có các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.
Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc bằng loại gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Người xưa chọn gỗ thị để tạc chữ. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván.
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm chuẩn bị đón bằng công nhận Di sản Ký ức thế giới.
Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cậy thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Trước đó, tại kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) (từ ngày 14-16/5/ 2012), Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã vinh dự được công nhận là Di sản ký ức thế giới của khu vực.
Ngoài lễ vinh danh Mộc bản Kinh phật cùa Vĩnh Nghiêm, chương trình Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012 còn bao gồm các chương trình: Đón bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Quyết định công nhận 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là ATK II và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang.
Nhiều hoạt động được tổ chức như: Liên hoan ca múa nhạc dân gian; Thi người đẹp tỉnh Bắc Giang; Các hoạt động thể thao; Các trò chơi dân gian; Trình diễn Di sản văn hóa Quan họ và Ca trù; Trình diễn nghề thủ công; Trưng bày sinh vật cảnh…
Kho Mộc bản kinh Phật vô giá tại chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang.
Đây là các hoạt động chào mừng kỷ niệm 117 năm thành lập tỉnh Bắc Giang (1895 - 2012), kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Bắc Giang (1997 - 2012), ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), vinh danh các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận năm 2012.
Ngày hội sẽ có những chương trình đặc sắc mang chủ đề “Bắc Giang - Ký ức tỏa sáng” gồm 3 chương: Giao hội và tinh khiết; Khí phách anh hùng; Di sản thăng hoa.
Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc khu vực Đông Bắc của Tổ quốc, là địa phương giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tôc. UBND tỉnh Bắc Giang đã, đang và sẽ có những chiến lược dài hơi bảo tồn, tu bổ những di sản văn hóa quý giá trên địa bàn tỉnh.
Theo DânTrí