Vợ chồng chị Yến (35 tuổi, Hà Nội) đều là viên chức nhà nước, không khá giả nhưng thu nhập ổn định. Gia đình chị hiếm khi xích mích về tiền bạc hay phân bì sự nghiệp, nhưng lại hay cãi vã về việc phân chia việc nhà, con cái.
“Trước khi cưới, anh cũng có vẻ đảm đang, thấy tôi làm việc thì cũng xúm xít hay đứng bên trò chuyện. Lấy về rồi mới biết anh lười làm việc nhà, ngày hai bữa chỉ cắp đít đi làm, rồi thể dục thể thao hay nhậu nhẹt đâu đó xong mới về nhà. Cả năm họa hoằn lắm anh làm được đúng một việc là thỉnh thoảng chơi với con lúc tôi nấu cơm, dọn nhà. Lần nào tôi đi công tác là bị giục về rối rít như trái đất sập đến nơi. Mà đúng là về nhà sập thật, đồ đạc trong nhà lộn xộn, rác rưởi, mùi hôi hám, còn ba bố con thì nheo nhóc. Nhìn vừa tức, vừa tội”, chị Yến kể.
Mệt mỏi, căng thẳng vì tàu xe, công việc, về đến nhà lại bị cái bề bộn làm cho “mờ mắt”, chị Yến quát mắng vài câu rồi đúng như bản năng lại lao như điên vào dọn dẹp. Mất gần cả buổi sáng chị mới giải phóng được đống rác lớn trong nhà, và khu bếp loang lổ đầy dầu mỡ. Xong xuôi cũng là khi chị mệt lử.
Chị Yến phân tích, hai vợ chồng cùng đi làm, thu nhập như nhau nhưng bao giờ chị cũng phải làm nhiều hơn chồng từ 3 đến 4 tiếng mỗi ngày vào việc nhà. "Nếu tính số giờ này vào lương của một người giúp việc thì tôi còn kiếm được nhiều tiền hơn chồng. Anh ấy mang tiếng là đàn ông, ‘sức dài vai rộng’ nhưng chẳng giúp mình được việc gì. Khổ nhất là sau mỗi lần đi công tác về nhà đều phải 'làm bù' khoảng thời gian đi vắng. Mình là vợ, là mẹ, chăm lo cho gia đình là niềm hạnh phúc, song nếu được sẻ chia dù chỉ một chút cũng đỡ đi bao nhiêu. Đôi lúc ngồi nghĩ cũng thấy tủi thân", chị xót xa.
Ở cái tuổi 35, chị Thảo Yến có vẻ hạnh phúc hơn nhiều người khi công việc ổn định, con cái đủ đầy, song chị luôn cảm giác mệt mỏi bởi lúc nào cũng phải căng mình với công việc. Bà mẹ hai con tiết lộ nhiều khi trong giấc mơ chị thấy mình thanh thản được nằm nghe nhạc, đọc sách hay thoa một lớp kem dưỡng da thiu ngủ, đến giờ là được chồng gọi dậy ăn cơm…
"Nhưng đó chỉ là những điều trong mơ. Còn thực tế tôi có cải tạo, nhờ vả, thậm chí là thẳng thừng đề cập thì chồng cũng không đỡ đần được gì. Thú thật, nhiều hôm mệt tôi chẳng còn nhu cầu chuyện chăn gối nữa, mặc kệ lão thích làm gì thì làm”, chị Yến cho biết thêm.
|
Một gia đình tại Đại Đồng (Hà Nội). Trong khi vợ và chồng cùng đi làm về thì người vợ nấu cơm còn người chồng ngồi uống nước. Ảnh có tính minh họa: Csaga. |
Cứ nhìn thấy cái vóc dáng tất bật, nhỏ con của Phương (26 tuổi, Nam Định) nhiều người trong xóm chỉ biết lắc đầu, ái ngại cho cô gái trẻ. Đang trong thời kỳ son rỗi mà trông cô như bà mẹ trẻ, cung phụng chồng từ A đến Z.
Chồng Phương làm nhân viên kĩ thuật cho một doanh nghiệp ô tô ở huyện Từ Liêm (Hà Nội), còn cô là nhân viên tạp vụ cho một khách sạn trên địa bàn. Công việc của chồng vất vả và mức thu nhập cao hơn Phương.
“Tuy anh xã làm nhiều tiền hơn nhưng hay bù khú, một tuần mất 3 lần đi nhậu nên hiếm khi thấy anh mang về được đồng nào tử tế. Thế nhưng anh lại có thái độ trịch thượng, chẳng bao giờ đụng tay, chân vào việc gì. Vợ không làm cho thì không ăn, không dọn nhà thì để bẩn, không giặt quần áo thì cứ để thể mặc… Nói chung là anh ấy nghĩ ‘việc nhà không phải của đàn ông'", Phương cho biết.
Chứng kiến một buổi tối ở nhà Phương mới thấy đúng như điều cô nói. Hai người đi làm về cùng lúc, anh chồng tắm rửa rồi gác chân xem đá bóng. Ngược lại, Phương luôn tay chân với món ốc chuối đậu. Cô nhờ chồng giúp gỡ ốc cho nhanh nhưng anh này từ chối. Phương phải lúi húi với bữa tối cho hai người mất hơn 2 tiếng. Sau khi chồng ăn xong, cô vợ trẻ lại phải bỏ mâm chạy đi gọt hoa quả, lấy kẹo, bánh hay pha nước cho uống.
“Người ngoài sẽ nghĩ chuyện nấu cơm cho hai người rất đơn giản nhưng lại không đúng với nhà em. Anh xã kén ăn, người lại yếu, thương anh nên em toàn phải nấu món ngon. Trong nhà lúc nào cũng phải có đồ làm sẵn cho chồng ăn như bánh, kẹo, hoa quả, sữa chua, chè - những món em dành cả ngày cuối tuần để làm. Ngoài ra, em còn khổ sở với đống quần áo to, nặng, nhiều dầu mỡ của anh.Trong khi đồ của em chỉ giặt mất 5 phút thì đồ của anh cần gấp 5, 7 lần thời gian, công sức đó", Phương chia sẻ.
"Có lần em đã thử nhờ chồng làm thì anh hết kêu mệt lại miệt thị 'làm mỗi việc nhà không được còn làm được gì, đồ ăn hại', em lại hết muốn nhờ luôn. Thà chịu mất thêm ít thời gian còn hơn thấy cái mặt anh xầm xì, 'đá thụng đụng nia'", Phương nói.
Có lẽ "bắt thóp" được vợ nên anh chồng này rất tự hào là không sợ vợ nhất trong đám bạn, luôn khoe khoang mình không sợ vợ, không núp bóng đàn đàn bà hay không phải loại mặc váy, đụt...
Tuy bức xúc vì phải làm nhiều việc nhà song cô vợ trẻ Diệu Thuần (giáo viên mầm non ở Định Công, Hà Nội) cũng không đủ khả năng đấu lại chồng, vì theo cô anh đủ sức gan lì, còn cô lại sợ điều tiếng. Cho nên kế hoạch "cải tạo" chồng làm việc nhà sụp đổ nhanh chóng.
"Trước cưới tôi cũng có tư tưởng bình đẳng lắm, đòi phân chia vợ rửa bát, chồng quét nhà, mỗi người một việc. Cưới về mới thấy ông xã như 'con ngựa bất kham', không chịu làm việc dù mình có thủ thỉ, nhờ vả. Cái hôm mình bị đau đầu, đi làm về là thấy anh xã chạy đi đánh tenis. Mình mệt quá chẳng nấu cơm, thế là lúc anh về vợ chồng chọi nhau, vứt vung nồi ầm ầm. Mình ức quá định bỏ ra ngoài ăn cơm nhưng vừa ra cửa đã thấy mấy nhà hàng xóm đang nhìn, đành phải quay về nấu cơm cho chồng. Ấy thế mà mấy hôm sau mẹ mình còn sang trách mắng 'Mày ăn ở thế nào mà để hàng xóm nói là vụng về, lười biếng, bắt nạt chồng'. Mình muốn bình đẳng nhưng người xung quanh lại không nghĩ thế, và mình thành vai phản diện trong mắt mọi người. Đành chịu ấm ức, chồng giúp tí nào thì hay tí đó", cô giáo trẻ nói.
Theo chuyên gia tư vấn về bình đẳng giới, bạo lực gia đình Nguyễn Vân Anh - Giám đốc trung tâm Csaga thì
dù xã hội ngày càng phát triển nhưng tư tưởng "trọng nam khinh nữ", những tàn dư của chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại cả trong nam lẫn nữ. Biểu hiện cụ thể của xã hội hiện nay là sự bất bình đẳng với phụ nữ trong công việc nhà, vì ngoài thời gian làm việc ngoài xã hội, kiếm thêm thu nhập về cho gia đình, người phụ nữ vẫn phải làm hầu như tất cả việc nhà - những việc không tên, không được thừa nhận, không được trả tiền. Họ đang phải chịu một thứ “bạo lực không nhìn thấy được trong gia đình”.
"Vì chịu nhiều gánh nặng nên người phụ nữ không còn thời gian nghỉ ngơi, làm đẹp, ít có cơ hội được thăng tiến, nâng cao trình độ. Thực tế hiện nay là người đàn ông tự đặt cho mình gánh nặng kiếm tiền, để người phụ nữ gánh việc nhà, như thế một bên sẽ thấy trách nhiệm, mệt mỏi, một bên thấy nặng nề, bất công. Hạnh phúc là sự sẻ chia chứ không phải sống cho riêng mình. Một ông chồng khôn ngoan là người biết chia sẻ gánh nặng cho vợ để người vợ có thời gian nghỉ ngơi, xinh đẹp, có trình độ và san sẻ giúp mình gánh nặng tài chính.", chuyên gia Vân Anh phân tích.
Theo "Khảo sát về thực trạng bình đẳng giới tại 11 tỉnh, thành phố" do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam vừa thực hiện thì trung bình
một ngày người phụ nữ lao động sản xuất chỉ kém nam giới 0,4 giờ nhưng nghỉ ngơi ít hơn nam giới 1,3 giờ.
Vẫn tồn tại quan điểm “Nam giới là trụ cột trong gia đình, những việc lớn nam giới giải quyết, phụ nữ chỉ tham gia bàn bạc, góp ý.... Có 20% gia đình có sự đồng thuận của vợ chồng khi quyết định việc lớn, còn phụ nữ là người quyết định chỉ chiếm 4,7%.
Tương tự, theo số liệu của "Công cụ Giới của Liên hợp quốc" thì tại Việt Nam, người phụ nữ đại diện cho 75% lực lượng lao động nông nghiệp ở nông thôn. Làm việc 14 giờ mỗi ngày, cả trong gia đình và ngoài xã hội nhưng được trả công ít hơn 20 - 40% so với nam giới...
Phan Dương