Dân Việt thường cực đoan, vừa mới vui vẻ trước mặt cảnh sát, còn sau đó thì chửi bới, nói xấu sau lưng không ra gì. Khi hối lộ cảnh sát cũng vậy.
Tôi có theo dõi mấy bài viết trao đổi về hình ảnh cảnh sát giao thông trên báo
Người đưa tin. Cách đặt vấn đề cho rằng có 1 nửa lỗi của người tham gia giao thông trong khi giới cảnh sát giao thông ăn hối lộ là dúng với bản chất sự việc.
Xe quá tải ngang nhiên đi giữa phố đông người. Ảnh: VOV
Tôi từng chứng kiến nhiều việc hối lộ như thế, dù chỉ dăm ba chục, một hai trăm ngàn. Người đi đường lái xe lấn vạch, vượt đèn đỏ, rẽ ngang rẽ tắt, xe không gương, vừa lái xe vừa nghe điện thoại...khi bị phát hiện, kiểm tra thì tìm cách hối lộ. Cách này "thuận lợi" cho cả hai bên là người vi phạm được bỏ qua, cảnh sát được tiền mà tránh phiền phức cho cả hai.
Dịp Tết, lễ về quê, tôi chứng kiến xe khách chở gấp 2, gấp 3 số người trên xe. Ở đây có vài câu chuyện: Thứ nhất là người lên xe đi bằng được với những cái xe quá tải kinh hoàng như vậy; thứ hai là cánh nhà xe nhân dịp vơ vét khách, thậm chí bất chấp tính mạng của chính mình và hành khách; thứ 3 là nảy sinh ý định "cưa đôi" tiền phạt với cảnh sát.
Trong trường hợp này cảnh sát có lỗi nhưng xuất phát từ thói quen "cùng có lợi" và "đi cửa sau" của nhà xe, của những người vi phạm. Tôi không ủng hộ cảnh sát giao thông ăn hối lộ nhưng nếu luật pháp được chính chúng ta tôn trọng, được chính chúng ta thực thi nghiêm túc thì có dẫn đến việc cảnh sát ăn hối lộ không?
Người Việt mình thường cực đoan, đôi lúc chăm chăm nhìn vào một khía cạnh mà cố tình bỏ quên mặt khác của câu chuyện. Trường hợp phê phán cảnh sát giao thông cũng vậy.
Nguyễn Bình Minh (Hà Nội)