(Dân trí)- Tờ báo có cái tên giản dị- LIFE - nổi tiếng với những bức ảnh vừa mang nội dung thời sự vừa chuyển tải thông điệp một cách sâu sắc, nhân văn. Đã có những bức ảnh báo chí của LIFE trở nên nổi tiếng với mọi thời đại.
“LIFE” theo đuổi nghệ thuật làm báo với phương châm “chụp ảnh, kể chuyện”. Cách làm báo này cho tới nay vẫn là con đường ít hãng tin dám đi theo nhưng sự mạo hiểm nào cũng có giá trị của nó. LIFE đã chạm được tới trái tim độc giả theo những cách mà một hãng tin thông thường khó lòng đạt được.
Người đồng sáng lập ra tờ báo, ông Henry Luce từng viết những dòng sau đây vào năm 1936 để nhắc nhở những cộng sự của mình về trách nhiệm của họ trong sứ mệnh đưa tin bằng hình ảnh:
“Hãy để người xem nhìn ngắm năm châu, quan sát thế giới, chứng kiến sự kiện. Hãy để họ nhìn và phải ngạc nhiên, sửng sốt… Trong một tuần, người Mỹ có thể nhìn thấy rất nhiều hình ảnh từ các tạp chí du lịch, tạp chí nghệ thuật, tạp chí điện ảnh, tạp chí khoa học… Nhưng chưa hề có một tờ báo nào tổng hợp thông tin của toàn bộ các tin tức sự kiện xảy ra trên thế giới bằng hình ảnh cho người xem để họ chỉ cần vào một tờ báo duy nhất đó, ngồi đọc, nghiền ngẫm và thích thú.”
Hãy cùng nhìn lại những bức hình ấn tượng mà phóng viên tạp chí LIFE từng ghi lại được:
Trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha năm 1936, một người lính bị trúng đạn và hy sinh ngay sau đó. Bức ảnh được đánh giá cao về tính thời sự, mức độ nguy hiểm khi thực hiện, và quan trọng nhất là khoảnh khắc mà nó “chớp” được.
Cuộc tấn công bất ngờ của quân Đức vào thành phố London tháng 9/1940 đã khiến nhiều dân thường bị thương, trong đó có một em bé tên là Margaret Curtis.
Cuộc huấn luyện dành cho các nữ quân nhân ở bang Iowa, Hoa Kỳ năm 1942. Trong ảnh, các nữ quân nhân đang mang mặt nạ chống độc.
Ngày 14/8/1945 hay còn được gọi là “VJ Day” (Victory over Japan Day) chứng kiến sự đầu hàng của quân Nhật trong Thế chiến II. Bức hình này rất nổi tiếng và thường được biết tới là bức hình đẹp nhất chụp được trong ngày trọng đại mang ý nghĩa lịch sử thế giới. Trong đó, một lính thủy vui sướng hôn lên môi bạn gái trên Quảng trường Times, New York, Mỹ.
Bức hình được chụp năm 1946 bởi nhiếp ảnh gia W. Eugene Smith. Hai em bé trong ảnh, Juanita và Patrick là hai con của ông. Đây là bức ảnh mà nhiếp ảnh gia này chụp sau khi trở về quê nhà do bị thương trong quá trình tác nghiệp hồi Thế chiến II. Về sau, bức ảnh này được trưng bày trong Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại trong chùm ảnh có tiêu đề “The Family of Man” (Gia đình của người đàn ông – 1955).
Danh họa Pablo Picasso vẽ hình Nhân mã (một trong 12 cung Hoàng đạo) lơ lửng trong không gian bằng “chiếc bút ánh sáng”. Bức hình được chụp ở một tỉnh đông nam nước Pháp năm 1950.
Những khán giả đầu tiên được tiếp xúc với bộ phim điện ảnh 3D hồi năm 1952 mang tên “Bwana Devil”.
Trong một bãi chiếu phim phục vụ khách ngồi trong ô tô ở bang Utah, bộ phim “The Ten Commandments” (10 điều răn dạy) đang được phát. Phía trước màn hình chiếu phim khổng lồ là những hàng dài xe ô tô, người xem tùy nghi thưởng thức bộ phim trong không gian riêng và sự tiện nghi của chiếc xe nhà mình. Ảnh chụp năm 1958.
Bức hình chụp năm 1962 ghi lại hình ảnh của Marilyn Monroe hát bài “Happy Birthday” trong bữa tiệc sinh nhật của Tổng thống John Kennedy. Chỉ một năm sau, ông bị ám sát.
Những người dân New York chăm chú đọc báo trên tàu điện, căng thẳng theo dõi tin tức về vụ Tổng thống Mỹ John Kennedy bị ám sát hồi tháng 11/1963.
Người lính đã bị thương cố tiến về phía trước để trấn tĩnh một người lính khác đang trải qua một cơn sốc vì chứng kiến trận đánh quá ác liệt diễn ra hồi năm 1966 trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đây là một trong những hình ảnh phản ánh sự dữ dội của chiến tranh trong đó dù ở chiến tuyến nào, con người cũng trở nên nhỏ bé và yếu đuối. Đồng thời, bức hình cũng thể hiện tình đồng chí của những người lính trong quân ngũ.
Một kẻ khủng bố bịt mặt người Palestine nhìn ra ngoài từ một ban công khu căn hộ dành cho các vận động viên tham gia Thế vận hội Mùa hè Olympic năm 1971 tại Munich, Đức. Vào ngày 5/9/1971, 8 kẻ khủng bố người Palestine đã bắt giữ 11 vận động viên và huấn luyện viên người Israel làm con tin và sau đó giết hại tất cả những con tin này. Sự kiện này sau đó được biết tới với cái tên “Cuộc tàn sát ở Munich” – đây là sự kiện tai tiếng và bạo lực nhất từng xảy ra trong lịch sử Thế vận hội Olympic.
Pi Uy
Theo
LIFE