Thế hệ con một ở Trung Quốc bị cho là lớn lên thành những người ít tin cậy, thiếu tự lập và bi quan, theo kết quả một nghiên cứu từ bên ngoài.
Tuy thế, cũng có ý kiến khác từ giới nghiên cứu Phương Tây nói cần cẩn thận với kết luận mạnh mẽ như thế về thế hệ con một ở Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu từ Úc công bố kết quả về vấn đề tâm sinh lý của ‘con một Trung Quốc’ sau khi so sánh tính cách của họ với những người sinh ra trước khi chế độ cưỡng bức ‘Một Con’ thời Đặng Tiểu Bình đưa vào áp dụng.
Công trình này đánh giá 421 người Trung Quốc, khoảng một nửa sinh ra trước và số còn lại sinh ra sau khi chính sách Một Con được áp dụng.
Dễ giận hờn, bi quan?
Trong bài đăng trên tạp chí uy tín Science, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Lisa Cameron, Đại học Monash ở Victoria nói con một ở Trung Quốc “dễ giận dỗi, bi quan”.
Trả lời chương trình khoa học của BBC, bà Lisa Cameron nói:
“Chúng tôi thấy những người sinh ra trong chế độ Một Con [ở Trung Quốc] ở một mức đáng kể đã tỏ ra không tin người, thiếu tính mạo hiểm và sức cạnh tranh so với những người sinh ra trước đó,”
"Họ ít tin người, thiếu tính mạo hiểm và sức cạnh tranh so với những người sinh ra trước đó"
GS Lisa Cameron
Tuy thế, Giáo sư Lisa Cameron nói bà nghiên cứu này không nhằm để “trình bày ra rằng những người là con một có các vấn đề nghiêm trọng”, và chỉ gợi ý rằng “không có anh chị em có tác động nhất định đối với sự trưởng thành”.
Nhưng Giáo sư Stuart West từ Đại học Oxford ở Anh thì nói cần cẩn thận khi rút ra kết luận về chế độ Một Con ở Trung Quốc.
Ông nói về nghiên cứu ở Úc:
"Họ nêu ra ý kiến rất mạnh về sự khác biệt giữa những người ra đời trước 1979 và sinh ra sau đó, và họ gom dữ liệu lại để chỉ nhắm vào chính sách Một Con vào năm đó.”
Ông cho rằng cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nữa từ môi trường văn hóa-xã hội, sự thịnh vượng, chế độ dinh dưỡng, chính trị” nữa thì mới đáng giá hết được vấn đề.
Năm 1979, chính sách Một Con của Trung Quốc được đưa vào áp dụng và đặt ra hình phạt hà khắc với cư dân đô thị, nhất là cán bộ công nhân viên nhà nước nếu họ vi phạm.
Nhà văn Mã Kiện từng viết tiểu thuyết về sự đau khổ của phụ nữ Trung Quốc vì chính sách Một Con
Chỉ có một số nhóm sắc tộc thiểu số không phải người Hán được quyền có đến hai con.
Gần đây, một số đô thị cũng bắt đầu cho cư dân của họ được có hai con ở dạng ưu tiên đặc biệt nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn không muốn bỏ chính sách này.
Các nhà xã hội học đã chỉ ra nhiều vấn đề do chính sách Một Con gây ra cho Trung Quốc: sự mất cân bằng giới tính, dân số già đi nhanh hơn bình thường.
Theo BBC Tiếng Trung tại London, thực tế trong xã hội Trung Quốc đã có tên gọi thế hệ con một là ‘hậu 80’ đánh dấu thập niên luật Một Con được áp dụng.
Các biểu hiện như ‘ích kỷ’, ‘không biết chia sẻ’ của những người trưởng thành chỉ có một mình, không anh chị em, đã được nói đến nhưng phần nhiều ở dạng đồn đoán trong xã hội.
Thậm chí chế độ Một Con còn được nêu ra trong văn chương Trung Quốc, như tiểu thuyết của nhà văn Mã Kiện về sự đau khổ của phụ nữ thế hệ này.
Nay, lần đầu tiên một nghiên cứu khoa học từ bên ngoài nói về các vấn đề tâm lý của chính thế hệ này.
theo bbc