Những kỷ niệm Tết thời ấu thơ được giới trẻ nhớ lại như một món quà vô giá.
Nhiều ngày qua, những phần tranh luận, bàn cãi về việc gộp Tết âm và tết Dương dường như là đề tài nóng nhận trên các diễn đàn. Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 12 âm lịch, cũng đồng nghĩa với Tết cổ truyền đang đến rất gần. Cùng với những quan điểm về Tết tây, Tết ta, mọi người cũng dường như đã cảm nhận được không khí Tết. Rất nhiều bức ảnh Tết ngày xưa đã được tìm lại và chia sẻ cho nhau. Bên cạnh đó, những kỷ niệm Tết thời ấu thơ cũng được giới trẻ nhớ lại như một món quà vô giá.
Lê Thu Hà - Nhớ lắm, hương vị ngày tết quê hương
"Mình nhớ chiều 30 Tết năm nào nhà mình cũng tất bật với nồi bánh chưng những chiếc bánh chưng được gói thật vuông vắn, gọn gàng trông thật đẹp mắt. Bố mình vẫn bảo: “Gói bánh chưng để lễ tết thắp hương cho ông bà tổ tiên nên phải làm cẩn thận, đẹp đẽ để ông bà phù hộ cho con cháu”. Buổi tối trước khi ăn cơm bố cho nồi bánh chưng lên bếp, ăn cơm xong hai anh em háo hức tranh phần trông nồi bánh. Trong suy nghĩ non nớt của anh em mình lúc đó chỉ sợ khi nồi bánh chín mà mình không có mặt ở đó thì người khác sẽ lấy mất chiếc bánh của mình. Vậy là cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng.
Mình còn nhớ khoảnh khắc đếm từng giây đón chờ giao thừa. Thời khắc quan trọng nhất của năm. Năm nào mình cũng cùng gia đình thức đến 12 giờ khuya để đón giao thừa hết. Không pháo hoa, không nhộn nhịp như ở thành thị nhưng ở quê mình lại rộn ràng tiếng vui cười của lũ trẻ, tiếng múa lân cứ rình rang ở khắp xóm. Chỉ thế thôi nhưng không thể nào mình quên được.
Mình nhớ những bữa cơm tất niên gia đình sum vầy bên nhau, nhớ chợ hoa tết, nhớ khi cùng với ba mẹ tự tay lựa từng chậu hoa cúc, hoa vạn thọ và cả những cây hạnh trái chính vàng tươi, nhớ từng chùm bóng bay rực rỡ được treo góc nhà, nhớ cả tiếng pháo bông của bọn trẻ con trong xóm hò nhau đi xông nhà ngày Tết.
Lê Thu Hà - sinh viên năm 4 Học viện Ngân Hàng
Nhưng tết không chỉ là như thế, mà với mình Tết còn mang những nét đẹp về văn hóa truyền thống, về phong tục tập quán rất đặc trưng của người Việt Nam chúng ta. Nhắc đến Tết là nhắc đến niềm vui hạnh phúc và bình an. Đôi khi nó là mốc thời gian cho chúng ta đánh dấu những một sự khởi đầu mới. . Và quan trọng hơn, Tết mang những giá trị truyền thống, những nét riêng biệt tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam mà không bất kì một ngày lễ nào khác có thể thay thế được.
Mình yêu Tết Nguyên Đán, yêu tết cổ truyền của đất nước mình đất nước của những con người giản dị và mộc mạc. Đừng để bản sắc dân tộc mai một bởi vì một lí do nào đó cho dù là tết Tây hay Tết ta nhưng mình hi vọng những con người Việt Nam hãy “hòa nhập nhưng đừng hòa tan”.
Lê Nguyễn Nhật Linh - Tết trong mình là ăn vụng bò khô và uống trộm rượu vang của bố
Tết trong kí ức mình là nâng niu trên đôi tay nhỏ những tấm thiệp chúc mừng năm mới bố mẹ mang về từ cơ quan rồi hít thật dài mùi giấy mới. Là niềm vui háo hức khi được nhận những tờ tiền mừng tuổi mới tinh, phẳng lì, là cảm giác vuốt thật chậm, gấp rất khẽ, cất nhẹ tiền trong túi áo khoác, thi thoảng, mang khoe với tất cả sự hãnh diện và lại giấu kín như một gia tài. Sau này, cuộc sống bận rộn gấp gáp, phải chạy cùng thời gian, đôi lúc vô tâm quên trân trọng giá trị của đồng tiền. Tết trong trí nhớ của mình là đến nhà người quen nào đó và cúi đầu cảm ơn khi xòe tay xin một vốc hạt dẻ ấm sực. Là mứt dừa vị ngọt dịu, mứt gừng cay nồng, ô mai mơ chua mặn, là ấm trà nóng khói lửng lơ tan. Là kẹo bạc hà nhân chocolate, không đủ kiên nhẫn để ngậm nên cố gắng cắn vỡ kẹo để chocolate ngọt lịm đầu lưỡi. Là mưa bụi thơm lên tóc, là gió làm xanh lộc non, là đào hồng phớt, quất mọng quả, hoa trắng nhỏ xinh. Là mâm ngũ quả, xôi gấc, gà luộc, bánh chưng, rượu ngâm thắp hương dâng bàn thờ. Là đến lễ chùa mồng một tết, cầu bình yên, an lành, sức khỏe, thành đạt, hạnh phúc, sung túc trọn vẹn cho cả năm.
Tác giả trẻ Linh Kô I Là bánh chưng dẻo nếp hoặc rán vàng giòn chấm với mật ong, là ăn vụng thịt bò khô bị mẹ phát hiện. Là lén uống một ngụm rượu vang và nhìn bố cười. Là rải đầy sỏi trắng ở chậu cây, là cùng cả nhà dọn dẹp nhà cửa và than mệt. Là vặn vòi xả đầy nước vào những quả bong bóng rồi chị em mang ném nhau, hoặc lấy hết hơi phồng mồm thổi treo đầy nhà. Là mặc quần áo đẹp từ vài hôm trước Tết để lượn đi lượn lại trong nhà xem có ai khen không.
Là hương trầm quyện trong không khí, quen thuộc đến nỗi có lúc tự ngửi thấy thoang thoảng trong tiềm thức. Là vặn loa thật to và replay bài hát bất hủ “Happy new year” của ban nhạc ABBA. Một mùa Tết nữa đang gần, có lúc nào vô tình ngang qua con đường lạ, nơi đất khách, văng vẳng trên loa phát thanh khúc hát đón xuân về, lòng chợt thổn thức lẫn rộn ràng. Những ngày cuối năm, con người ta vội vã hơn để kịp mọi việc, nhưng cũng ngừng chậm một nhịp sống để cảm nhận trời đất giao mùa.
Là đi ngủ trước giao thừa và dặn bố mẹ gọi dậy ngắm pháo hoa, nhưng nhiều năm vẫn quấn mình ngủ vùi trong chăn và không chịu dậy. Lúc tỉnh, ngơ ngẩn tiếc vì bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá một năm chỉ có một lần. Hồi còn bé, chỉ mong Tết đến thật nhanh. Lớn lên, vẫn nguyên vẹn những trông mong đợi chờ, tuy nhiên vẫn len lỏi chút nuối tiếc tiễn đưa năm cũ. Hướng đến tương lai với niềm tin về những điều tốt đẹp, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại một năm đã trở thành quá khứ. Bởi thế, trong bữa cơm tất niên cuối năm, lòng người thường dịu như một nốt lặng!
Tết ấu thơ là ăn vụng bò khô và uống trộm rượu vang của bố
Mình nghĩ, nếu ta đồng ý gộp Tết Âm lịch vào chung ngày với Tết Dương lịch tiết kiệm những thứ như người ta nói, hẳn khi ấy, ta cũng đã đánh mất rất nhiều. Có những thứ không thể đo đếm, tính toán như vật chất. Là những thói quen, phong tục, tập quán, là giá trị tinh thần, là sự thiêng liêng quý báu, là tâm trạng, nỗi niềm… không gì đánh đổi nổi. Tết còn là văn hóa, là bản sắc riêng, là nét đẹp cổ truyền. Đổi mới chứ đừng để biến mất. Bởi Tết mang ý nghĩa quan trọng sâu sắc, chứ không phải là một kì nghỉ cuối năm!"
Nguyễn Thanh Xuân - Mình muốn được giữ chặt "Tết cổ truyền"
"Lúc bé, mỗi lần tới ngày cuối cùng của năm cũ, tức là cái ngày mình dễ dàng nhìn thấy, nghe được thì mình lại rối rít lên hỏi ba mẹ rằng đã bao nhiêu âm rồi, còn mấy ngày nữa đến Tết. Chẳng lạ gì khi những đứa trẻ con như mình thích ngày tết đến vậy, sẽ được tiền lì xì, được sắm đồ mới và còn được đi chơi ở nhà cô, dì, chú, bác… những người mà có khi cả năm mới gặp mặt một lần. Mình nhớ mình đã từng mặc đồ mới đứng ngoài sân vào sáng mùng 1 tết chỉ để khoe với anh bạn hàng xóm rằng mình có áo mới, và cũng chờ xem có người hàng xóm nào đi qua khen mình dễ thương cùng với một phong bao lì xì đỏ chói hay không.
Ngày ấy, khái niệm về valentine, noel không hề xuất hiện trong từ điển những dịp lễ của mình, đơn giản vì mình còn bé và cũng không có người lớn nào nói với mình những ngày lễ đó mình sẽ được nhận tiền lì xì hay được mua đồ mới. Rồi khi 500 đồng không thể mua nổi một cục kẹo me, 1000 đồng không mua được chiếc bánh mì chan nước nữa thì mình mới nhận ra valentine là gì, noel là gì. Không ai nói cho mình biết cả, mình biết bởi vì nhà mình bắt đầu nối internet, mình bước vào lớp 10 và có những thứ cảm xúc rung rinh đầu đời, mình quan tâm hơn đến valentine, cũng thích đi chơi vào dịp noel…
Bạn Nguyễn Thanh Xuân - sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Văn hóa TP HCM.
Bây giờ mình đã lớn, không còn háo hức được nhận tiền lì xì, được mua đồ hay muốn đứng khoe với anh hàng xóm chiếc áo mới của mình nữa. Mình thích và mong cái buổi cả nhà quây quần gói bánh chưng, bánh tét hơn, bởi đó là truyền thống của người Việt, của gia đình mình hơn 20 năm qua. Ở thành phố, việc sắm Tết đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều cái gì cũng làm sẵn, bán sẵn rất thuận tiện. Chỉ cần đến ngày 30 Tết đi 1 vòng quanh chợ hay siêu thị cũng sẽ mua được đầy đủ những thứ cần thiết cho 3 ngày Tết từ bánh trưng, bánh kẹo, hoa quả, xôi, gà, mứt tết... Có lẽ cũng ít gia đình nào còn “chịu khó” tự gói bánh ngày Tết như gia đình mình.
Mấy hôm nay, việc tranh luận Tết âm, tết dương cũng làm mình suy nghĩ. Người phản đối, người đồng tình việc đón tết dương thay vì tết âm. Nhưng riêng với mình, một đứa con của đất Việt, mình vẫn muốn giữ lại những nét riêng của đất nước mình"