Một trực thăng của hải giám Trung Quốc vừa tuần tra ở vùng biển gần rạn san hô ở cụm Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Trực thăng và tàu hải tuần số 31 của Trung Quốc . |
Xinhua dẫn lời Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông vừa cho biết một trực thăng chiều qua cất cánh từ tàu Hải tuần 31, để "giám sát giao thông hàng hải" ở vùng biển gần rạn san hô có tên quốc tế là Hughes Reef ở cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cục này cho hay đây là lần đầu tiên một trực thăng hải quân Trung Quốc được cử tuần tra trên
Biển Đông.
Cụm Sinh Tồn là một chuỗi các đảo và bãi đá trong đó có các địa danh như Gạc Ma, Len Đao.
Hải tuần 31 là một trong ba tàu hải giám Trung Quốc rời cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam hôm 28/2 để tiến hành các chuyến đi mà giới chức Trung Quốc gọi là "tuần tra" trên Biển Đông. Kể từ đó, đội tàu này đã đi được 800 hải lý, "giám sát môi trường hàng hải" ở các vùng biển gần quần đảo Trung Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Các tàu đã "kiểm tra an toàn hơn 40 tàu Trung Quốc và nước ngoài", giới chức Trung Quốc cho hay.
Hải tuần 31 là tàu tuần tra biển loại lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc, có bãi đáp trực thăng trên boong.
Các hoạt động tuần tra này được Trung Quốc cho là nhằm "tăng cường khả năng thực thi luật hàng hải" và "kiểm tra năng lực phản ứng nhanh" của lực lượng hải giám tại Biển Đông.
Hiện Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các nước bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia trên Biển Đông. Vùng biển này được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên và nằm trên tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới.
|
Trực thăng hải quân Trung Quốc có mặt ở vùng biển gần một rạn san hô ở cụm đảo Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
vnn