Người ta lo ngại với ngân sách quốc phòng liên tục gia tăng, Trung Quốc sẽ ngày càng quyết đoán hơn trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng.
 |
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc theo năm (Đơn vị tính:1 tỷ USD).
Màu xanh lục: con số công bố và màu vàng ước tính cao nhất của DIA.
|
Chính phủ ở Bắc Kinh vừa thông báo chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,2% trong năm 2012 và dự kiến sẽ tăng 10,7% trong năm nay, lên tới mức 119 tỷ USD. Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng của nước này trong năm nay sẽ lên tới 740,6 tỷ nhân dân tệ (119 tỷ USD), tăng mạnh so với 669,1 tỷ nhân dân tệ của năm ngoái.
Con số thật sự còn cao gấp bội
Giới chuyên gia nước ngoài cho rằng ngân sách quốc phòng thật sự của Trung Quốc còn cao gấp bội con số được thông báo. Giáo sư thỉnh giảng Tai Ming Cheung của Đại học California, San Diego, Mỹ nói rằng
ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chưa bao gồm các khoản tiền chi cho nghiên cứu và mua sắm vũ khí nước ngoài.
Nhiều chuyên gia quân sự nước ngoài cũng cho rằng một số khoản chi tiêu quân sự của Trung Quốc không nằm trong ngân sách được công bố. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định là các khoản thực chi của Trung Quốc có thể dao động trong khoảng từ 120 đến 180 tỷ USD. Như vậy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ. Theo BBC News, ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2012 là 739,3 tỷ USD, kế đó là Trung Quốc (106 tỷ USD), Vương quốc Anh (63,7 tỷ USD), Liên bang Nga (52,7 tỷ USD) và Ấn Độ (31,9 tỷ USD). Giáo sư Taylor Fravel của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận xét: “Điều này quả là đáng lo ngại, đặc biệt khi không một nước nào trong khu vực lại có ngân sách quốc phòng tăng liên tục 2 con số như vậy”.
Trong năm 2011, Trung Quốc lần đầu tiên thử nghiệm máy bay phản lực chiến đấu tàng hình và tàu sân bay đầu tiên của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc còn đóng thêm nhiều tàu ngầm, tàu chiến hiện đại và đang phát triển một loạt các loại tên lửa đạn đạo chống hạm. Năm ngoái, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế tàu sân bay đầu tiên và nhiều tàu chiến tàng hình. Trung Quốc cũng đã thực hiện thành công việc lắp ghép tàu vũ trụ có người lái vào trạm vũ trụ đang bay trên không gian, thiết lập hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu cạnh tranh với hệ thống vệ tinh định vị của Mỹ và trình làng chương trình máy bay không người lái khá đồ sộ.
Không những thế, Trung Quốc còn tăng cường khả năng chiến tranh mạng. Tháng trước, hãng an ninh mạng Mandiant Corp. thông báo rằng nhiều khả năng quân đội Trung Quốc đã tiến hành đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ít nhất 141 công ty trên toàn thế giới, một cáo buộc mà phía Trung Quốc cực lực chối bỏ.
Đáng ngại hơn là Trung Quốc đang tăng cường sử dụng các tàu công vụ dân sự và ngư dân làm lực lượng xung kích trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng.
Láng giềng lo ngại
Sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc khiến cho các nước láng giềng lo ngại. Trung Quốc đang tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Nước này cũng đã triển khai hàng trăm tên lửa nhắm vào vùng lãnh thổ Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh của Trung Quốc đại lục.
Sau gần ba thập kỷ liên tục tăng chi phí quốc phòng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc giờ đây có thể thách thức các đối thủ đang tranh chấp chủ quyền ở những vùng biển có tầm quan trọng chiến lược và trữ lượng lớn về dầu khí như Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc hiện đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, có đủ khả năng hoạt động ở biển xa và tiếp tục tuần tra, luyện tập tại những nơi đang có tranh chấp.
Các vụ đối mặt giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản ở
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Biển Hoa Đông, kéo dài hơn sáu tháng qua và đang trở nên ngày càng nguy hiểm. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
 |
“Trung Quốc sẽ không để cho bất kỳ nước nào đe dọa”. |
Ông Nghê Lạc Hùng, chuyên gia quân sự khoa Khoa học Chính trị và Luật pháp đại học Thượng Hải nhận định ngân sách quốc phòng Trung Quốc còn tăng mạnh và “Trung Quốc sẽ không để cho bất kỳ nước nào đe dọa”.
Các động thái nói trên cho thấy Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, mở rộng tầm hoạt động ra xa hơn, thay vì chỉ tiến hành các luyện tập ở bên trong lãnh thổ và tuần tra tại các vùng biển gần như trong các năm gần đây. Sự phát triển bộ máy quân sự như vậy cần phải có ngân sách lớn cho kế hoạch hiện đại hóa vũ khí, các thiết bị quân sự, đặt mua hoặc đóng tàu chiến, tàu ngầm, máy bay tiêm kích và tên lửa.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc quản lý ngân sách quốc phòng, vào lúc giới lãnh đạo chính trị và quân sự lên tiếng báo động về nạn tham nhũng trong quân đội hiện có tới 2,3 triệu binh sĩ. Quân đội Trung Quốc vừa đưa ra một loạt các quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn các khoản chi tiêu, như trong lĩnh vực xây dựng, cung ứng vật tư, tổ chức hội thảo và đón tiếp khách, nhằm giảm lãng phí và chống tham nhũng.
Các quy định mới này, đã được Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình thông qua, cũng hướng các khoản chi ngân sách quốc phòng vào việc nâng cao khả năng tác chiến, trang bị vũ khí công nghệ cao và tăng cường luyện tập và điều này càng làm cho các nước láng giềng thêm lo ngại.
vnn