- AMCA được thiết kế là máy bay chiến đấu 2 động cơ, tàng hình, đa chức năng, dễ gây liên tưởng tới máy bay nguyên mẫu YF-23 của Mỹ.
Mô hình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm AMCA của Ấn Độ tại triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2013
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc vừa cho biết, Ấn Độ đã trưng bày mô hình (thiết kế khái niệm) máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm sau khi đổi mới, được gọi là “máy bay tác chiến cỡ vừa tiên tiến” (Advanced Medium Combat Aircraft, AMCA).
Tại triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2013 tổ chức tại Bangalore, Ấn Độ đã trưng bày mô hình tỷ lệ 1/8 thiết kế khái niệm máy bay này, đây cũng là cấu hình cuối cùng của máy bay này, trong tương lai chương trình AMCA sẽ lấy nó làm nền tảng, tiếp tục triển khai công việc.
AMCA được thiết kế là máy bay chiến đấu 2 động cơ, tàng hình, đa chức năng, lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2009 (đã trưng bày mô hình thử nghiệm ống thông gió được chế bằng kim loại), mô hình được trưng bày tại triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2011 thì đã sửa thành cấu hình tương tự máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ, cấu hình cuối cùng lần này (ít nhất là cấu hình duy nhất được các nhân viên thiết kế khái niệm đưa ra) rất dễ làm người ta liên tưởng tới máy bay nguyên mẫu YF-23 được Công ty Northrop Grumman nghiên cứu chế tạo trong chương trình “máy bay chiến đấu chiến thuật tiên tiến” – đối thủ cạnh tranh của nó là YF-22 của Công ty Lockheed Martin, sau đó Lockheed Martin đã chiến thắng trong cạnh tranh và phát triển thành máy bay F-22.
AMCA có cấu hình hiện nay đã áp dụng thân máy bay mới dài hơn, có cánh hình thang đối xứng, đã hủy bỏ đoạn kéo dài cạnh trước trong thiết kế trước đây. Máy bay này sẽ áp dụng khoang đạn giấu bên trong và công nghệ tàng hình hoàn toàn do Ấn Độ tự chủ phát triển (bao gồm lớp sơn hút sóng radar và vật liệu composite).
Nhìn vào bề ngoài đơn giản đặc trưng công nghệ do Cục phát triển hàng không Ấn Độ (ADA) đưa ra, Ấn Độ có ý định áp dụng thiết kế như màn hình buồng lái nền trong suốt (thủy tinh) toàn cảnh, hệ thống điều khiển bay truyền ánh sáng, máy tính điều khiển bay số hóa dựa trên sợi quang học và cửa nạp hình uốn khúc có thể kiểm soát tín hiệu radar.
Saraswat, giám đốc điều hành của Tổ chức nghiên cứu phát triển quốc phòng (DRDO) của Bộ Quốc phòng Ấn Độ miêu tả máy bay này là máy bay thế hệ 5+, và cho biết “các công việc có liên quan đến AMCA sẽ được khởi động nhanh chóng, trong đó nội dung gồm có xác định các công nghệ và hệ thống của máy bay”. Ông còn kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ ủng hộ và tham gia chương trình AMCA.
Các nhân viên quản lý của giới công nghiệp Ấn Độ chỉ ra, Tập đoàn Saab Thụy Điển, Công ty chế tạo máy bay Dassault Pháp và Tập đoàn quốc phòng vũ trụ châu Âu (EADS) đều đã bày tỏ mong muốn hợp tác trong chương trình AMCA, Ấn Độ có thể chính thức lựa chọn các loại công nghệ nước ngoài trong năm nay.
Mặc dù vấp phải một số hoài nghi, đồng thời Ấn Độ cũng sẽ nhanh chóng đầu tư hơn 10 tỷ USD cho chương trình máy bay thế hệ thứ năm hợp tác với Nga (chương trình FGFA), nhưng Ấn Độ vẫn luôn đầu tư các nguồn lực và vốn cho chương trình AMCA, hơn nữa họ đang đưa ra một bảng nhu cầu công nghệ phức tạp cho máy bay này.
Một sĩ quan đến từ Bộ Tư lệnh huấn luyện Không quân Ấn Độ cho biết, chương trình máy bay thế hệ thứ năm hợp tác với Nga không thể gọi là chương trình liên doanh, bởi vì thân máy bay này đang được Nga cho bay thử, điều Ấn Độ có thể làm nhiều nhất là bổ sung thêm số ít hệ thống do mình lựa chọn, hoặc đóng vai trò nhà dẫn dắt tích hợp như trong chương trình Su-30MKI.
Vì vậy, nhìn vào tương lai và phát triển các trang bị tương tự như AMCA cùng các công nghệ của nó có ý nghĩa to lớn đối với Ấn Độ. Viên sĩ quan này nói: “Chúng tôi không thể cứ mãi mua máy bay do nước khác thiết kế và chỉ lắp ráp hoặc chế tạo theo giấy phép ở Ấn Độ”.
Một nhà khoa học cao cấp của ban quản lý chương trình AMCA cho biết, Ấn Độ đã có máy bay thế hệ thứ tư Tejas, còn công nghệ hiện đang phát triển cho AMCA là “công nghệ mang tính cách mạng mới nhất”, hy vọng Ấn Độ có thể đuổi kịp trình độ cao nhất của thế giới.
Ông còn cho biết, trong quá trình nghiên cứu phát triển, nếu tình hình thực tế, chi phí và thời gian cần phải triển khai một số hợp tác quốc tế thì họ sẽ nghiên cứu tính khả thi, nhưng “tốt nhất là chương trình độc lập của Ấn Độ, bởi vì các doanh nghiệp công nghẹ của nước ngoài sẽ không chia sẻ công nghệ tàng hình nhạy cảm với Ấn Độ”.
theo gd