Trong Kinh Cựu ước, nhà tiên tri Moses là một con người lỗi lạc của chủng tộc Do Thái…
Nhiều ý kiến cho rằng, Do Thái là tộc người thông minh xuất chúng nhất trên thế giới. Dân tộc này đã sản sinh ra nhiều thiên tài cho hành tinh, một trong số đó là nhà bác học vĩ đại Albert Einstein - người được biết đến nhiều với Thuyết tương đối.
Tuy nhiên, người Do Thái nổi tiếng nhất lại là nhà tiên tri Moses…
Thưở thiếu thời đầy sóng gió…
Những tư liệu đề cập tới Moses phần lớn là các tác phẩm tôn giáo, trong đó chủ yếu là Kinh Torah. Theo đó, Moses sinh ra ở Ai Cập, vào thời kì người Do Thái bị nền văn minh này đô hộ và bắt làm nô lệ.
Pharaoh đã ra một đạo luật tàn ác, tàn sát tất cả những bé trai người Do Thái bằng cách dìm chúng xuống sông Nile. Để cứu con trai mình, sau khi sinh ra Moses, mẹ ông đã đặt ông vào một chiếc nôi thả trôi theo dòng sông thần thánh.
Bà Jochebed - mẹ của Moses thả con trai 3 tháng tuổi trôi theo dòng sông Nile.
Moses may mắn khi chiếc nôi đã trôi tới chỗ công chúa Thermuthis đang tắm cùng các tì nữ. Bà đã cho vớt đứa bé lên, nhận làm con nuôi.
Luôn theo sát chiếc nôi của đứa em trai, Miriam - chị gái của Moses đã tới xin công chúa cho phép trở thành vú nuôi của đứa trẻ. Cái tên Moses cũng là do công chúa Ai Cập đặt, nó có nghĩa là “cứu khỏi nước”.
Khi Moses trưởng thành, ông nhận thấy, đồng bào Do Thái của mình đang sống trong lầm than kiếp nô lệ. Chứng kiến một quản nô Ai Cập đánh đập người Do Thái, Moses đã giết chết người Ai Cập đó, vùi xác trong cát.
Không ngờ, sự việc bại lộ, Moses buộc phải bỏ trốn sang bán đảo Sinai. Tại đây, ông đã bênh vực, bảo vệ 7 cô gái chăn cừu khỏi một nhóm mục tử hung hăng. Để cảm ơn Moses, cha của 7 cô gái thiết đãi Moses hậu hĩnh và cho ông chăm sóc bầy chiên. Ông ở đây tới 40 năm liền.
Moses bảo vệ 7 cô gái khỏi những kẻ hung hãn.
Hành trình trở lại Ai Cập…
Ở Sinai, Moses đã gặp Thiên Chúa, được Ngài trao cho quyền năng nhìn thấy trước tương lai và giao sứ mệnh dẫn dắt dân tộc mình thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập.
Moses trở lại Ai Cập với phép thuật to lớn, ông thuyết phục được các trưởng lão Do Thái tin và hành động theo qua những lời tiên tri. Cùng với anh trai Aaron, Moses tới gặp Pharaoh và đòi quyền lợi cho đồng bào mình.
Moses được Chúa ban cho cây gậy phép đầy quyền năng và sứ mệnh cao cả.
Sau vài lần gặp, Pharaoh đều không đồng ý, lật lọng thậm chí ép người Do Thái lao dịch khổ sai hơn, Moses nổi giận và trừng phạt toàn xứ Ai Cập bằng 10 tai họa trong các lời tiên tri. Đó là dịch ếch nhái, dịch muỗi, ruồi mòng, châu chấu, dịch lệ tiêu diệt hết súc vật, dịch ghẻ, mưa đá, sấm sét…
Moses trừng phạt người Ai Cập bằng 10 tai họa.
Tai họa cuối cùng, thảm khốc nhất là lời nguyền “tất thảy con trưởng nam trong xứ Ai Cập đều chết, từ thái tử của Pharaoh ngồi trên ngai, cho đến con cả người nô lệ ngồi sau cối xay”. Sự kinh hãi bao trùm đất nước Ai Cập. Sau cùng, người Do Thái đã được trả lại tự do.
Tại nạn thứ mười - tai nạn thảm khốc nhất người Ai Cập phải hứng chịu.
Dẫn dắt dân tộc tới miền đất hứa…
Rời Ai Cập, Moses lãnh đạo những người nô lệ Do Thái cùng gia súc đi về phía Đông, hướng tới miền đất hứa. Họ đi qua rất nhiều hoang mạc, gặp phải nạn thổ phỉ, nạn đói, khát. Song lần nào, Moses với cây gậy phép cùng sự giúp đỡ từ Chúa trời đều vượt qua, tiếp tục cuộc hành trình dài.
Trên hoang mạc, có lần lương thực cạn kiệt, Moses làm phép cầu khấn đấng bề trên. Chúa trời đã tạo ra manna - một loại bánh giống lương khô trên trời rơi xuống, đồng thời phái chim cút bay tới các lều trại, tạo nguồn thực phẩm cho đoàn người Do Thái.
Khi đến Marah, tất cả gặp phải nguồn nước đắng, không thể uống được, Moses chỉ lấy một thanh gỗ ném xuống nước. Kì lạ thay, nước bỗng trong ra và dùng được ngay.
Một lần khác, tại Rephidim, Moses gõ chiếc gậy phép vào tảng đá, nước từ đâu tuôn ra cho toàn bộ đoàn người vơi đi cơn khát.
Không chỉ vậy, đoàn người Do Thái của Moses còn phải đối mặt với những chiến binh Amalek hung bạo. Khi đó, Moses đã cho tuyển những tráng sĩ từ đồng bào mình, tập hợp lại thành một đội quân ứng chiến.
Phần mình, Moses lên trên đỉnh đồi, giơ cao cây gậy phép Chúa ban cho. Khi ông giơ lên cao, quân Do Thái áp đảo quân địch, khi hạ tay xuống, chiến binh Amalek chiếm thế thượng phong.
May sao, nhờ sự giúp đỡ của anh trai của Moses - Aaron và Hur - một người dân Do Thái mà Moses đã giương cao gậy phép được cho tới cuối ngày, cũng là lúc quân Do Thái đánh bại được quân đội Amalek.
Khi đi qua Biển Chết, rất nhiều dân chúng bị rắn lửa từ đâu kéo đến cắn chết. Để bảo vệ họ, Moses hóa phép ra một con rắn đồng treo lên cao. Những người dân bị rắn cắn chỉ cần nhìn vào con rắn đồng là mọi bệnh tật bỗng chốc tiêu tan.
Theo một số ghi chép, Chúa trời đã báo với Moses, hành trình của ông sẽ bị dang dở bởi ông không còn sống được bao lâu nữa. Vì vậy, Moses đã trao lại quyền lãnh đạo, cẩn thận dặn dò các trưởng lão về mọi việc sau này. Sau đó, Moses một mình lên núi Nebo,ngắm nhìn lại toàn bộ hành trình đã trải qua và từ trần tại đỉnh Pisgah đúng sinh nhật 120 tuổi.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, Acient History, Jewish encyclopedia, Philologos, Wikipedia...
theo mask