Hiện tượng sét đánh xuyên cầu vồng đôi vô cùng hiếm gặp này đã xảy ra trên bầu trời nước Mỹ, Livescience đưa tin.
Từ hình chụp mới đăng trên chuyên trang khoa học Livescience, sự hiện diện đồng thời của cầu vồng đôi và sét đã tạo nên một cảnh tượng kỳ thú xảy ra trên bầu trời Vườn quốc gia Badlands ở Nam Dakota, Mỹ.
Khoảnh khắc kết hợp giữa 2 cầu vồng nhiều màu sắc và ánh chớp lóe sáng giữa trời tại Vườn quốc gia Badlands, Nam Dakota, Mỹ.
Sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và đất hoặc giữa các đám mây mang điện tích trái dấu. Đôi khi sét hình thành trong các trận bão cát hoặc khi núi lửa phun trào. Trong khí quyển, tia sét có thể di chuyển với tốc độ lên tới 36.000km/h và đạt mức nhiệt tới 30.000 độ C.
Trong khi đó, cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng Mặt trời khi tương tác với những hạt nước trong không khí. Khi ánh sáng vừa bị phản xạ, vừa bị khúc xạ qua hạt nước, nó sẽ tách thành các màu theo thứ tự: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Tùy vào số lần phản xạ của ánh sáng mà giới khoa học phân chúng thành cầu vồng bậc một, hai, ba, bốn.
Cầu vồng và sét xuất hiện đồng thời trên bầu trời thành phố Hải Khẩu, Trung Quốc.
Do chỉ phản xạ một lần nên cầu vồng bậc một có độ sáng lớn nhất. Nhờ đó con người thường xuyên thấy cầu vồng bậc một. Thỉnh thoảng, chúng ta thấy cầu vồng bậc hai. Trật tự màu sắc của cầu vồng bậc hai đảo ngược so với cầu vồng bậc một như màu đỏ ở bên trong, màu tím ở bên ngoài... và cường độ sáng yếu hơn.
Khoảnh khắc một tia sét đánh xuyên qua cầu vồng ở Công viên quốc gia Yosemite, California, Mỹ.
Cầu vồng đôi thường xảy ra khi có hai cơn mưa rào cùng lúc, tức là khi có sự kết hợp của các giọt nước lại với nhau. Khi đó, các hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra các cầu vồng hơi biến dạng. Những cầu vồng này kết hợp sẽ làm thành cầu vồng song sinh.
Trên thực tế, cầu vồng song sinh vô cùng hiếm gặp. Chúng là hai cầu vồng chung gốc nhưng lại tách thành hai cung vòng riêng biệt, chứ không phải những vòng tròn đồng tâm như cầu vồng đôi. Vì thế, thứ tự màu cũng không bị đảo lộn.
(Nguồn tham khảo: Livescience)