Lặng lẽ góp nhặt mảnh vỡ cổ vật trôi dạt ở các làng chài ven biển và huyện Lý Sơn, suốt 15 năm qua, nghệ nhân Lâm Dũ Xênh ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vẫn nguyên vẹn niềm đam mê vì tình yêu biển đảo.
Mảnh vỡ cổ vật được các nghệ nhân sắp xếp theo hình chữ Thọ
Tháng 5, mặc tiết trời oi bức, ông Xênh tất bật cùng nhóm thợ mộc Kim Bồng chạm trổ, phục dựng ba nhà rường cổ để chuẩn bị khánh thành bảo tàng tư nhân chuyên đề biển đảo. Nổi bật giữa căn nhà cổ ba gian là hàng nghìn mảnh gốm vỡ được lắp ghép tinh xảo theo hình chữ Thọ kết nối với biểu tượng âm dương.
Chỉ tay về những mảnh gốm dính chặt vào thanh gỗ được đặt trang trọng trên bàn giữa nhà, ông Xênh cho biết đó là dấu tích của con tàu cổ gặp hỏa hoạn rồi chìm ở vùng biển Bình Châu năm xưa. Nhiều mảnh gốm vỡ bị nung chảy khi gặp nhiệt độ cao đã dính chặt xung quanh thanh gỗ.
"Căn cứ vào hoa văn, chữ nghĩa và chất liệu men trên mảnh gốm vỡ có thể cảm nhận được giá trị tinh hoa văn hóa trong một giai đoạn lịch sử. Hy vọng bảo tàng biển đảo tư nhân của tôi đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhiều du khách đến tham quan để thêm yêu biển đảo Việt Nam", ông Xênh nói.
Xuất thân từ gia đình có ba đời hành nghề y học cổ truyền, nghệ nhân Lâm Dũ Xênh quan hệ mật thiết với ngư dân ở Quảng Ngãi. Mỗi chuyến ra khơi họ thường đến nhà ông mua vài vị thuốc xông ghe thúng cầu may hay bồi bổ sức khỏe. Sau những chuyến biển, thu được mảnh cổ vật mắc vào lưới, ngư dân đều mang đến cho ông.
Tuần nào cũng vậy, ông thường lặn lội về các làng chài thu mua lại những mảnh vỡ hay cổ vật không còn lành lặn bổ sung vào bộ sưu tập. Sau 15 năm sưu tầm, ông Xênh đã có hàng nghìn hiện vật gốm vỡ có chất liệu men, hoa văn, niên đại theo từng giai đoạn lịch sử.
Những mảnh gốm cổ vật dính chặt trên thanh gỗ của tàu cổ bị cháy chìm ở vùng biển Bình Châu do ông Xênh sưu tầm được từ các ngư dân lặn biển
"Người ta thường thích cổ vật lành lặn, bóng bẩy chứ ít quan tâm đến những mảnh vỡ. Nhưng tôi thấy mảnh vỡ cổ vật nếu biết đặt đúng chỗ thì giá trị tinh hoa, minh chứng lịch sử có khi còn sống động hơn", ông Xênh nói.
Ông Xênh nhớ mãi năm 1999 trong lúc thi công san ủi mặt bằng nhà máy đóng tàu Dung Quất ở Gò Quê, sát với cửa biển Sơn Trà, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn), các phương tiện cơ giới đã làm vỡ mộ chum Sa Huỳnh, mảnh vỡ vương vãi khắp nơi. Nhiều tháng cất công thu nhặt, ông đã gom được hơn 2.000 mảnh gốm mang về lưu giữ.
Đến năm 2009, ông mời chuyên gia phục dựng cổ vật UNESCO Việt Nam vào Quảng Ngãi phục chế lại các mộ chum Sa Huỳnh. Kết quả các chuyên gia đã phục chế thành công 4 mộ chum (trong đó mộ lớn nhất cao 1,3 m, đường kính 70 cm, ba mộ chum còn lại cao 85 cm, đường kính 50 cm) đưa đi trưng bày ở bảo tàng các tỉnh miền Trung.
Ông Đoàn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn về cổ vật Việt Nam nhận định, những ngôi mộ chum làm bằng gốm thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách đây khoảng 2.500 năm. Việc phục dựng thành công mộ chum từ những mảnh vỡ do ông Xênh sưu tầm không chỉ có ý nghĩa về giá trị lịch sử mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn phục vụ nghiên cứu di sản văn hóa Sa Huỳnh, kĩ thuật sản xuất đồ gốm sơ khai của người Việt cổ.
Phục chế 4 mộ chum Sa Huỳnh từ hơn 2.000 mảnh gốm vỡ.
Còn Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi cho rằng, với nhà khảo cổ đôi khi những mảnh vỡ cổ vật ở hiện trường quan trọng hơn nhiều so với hiện vật nguyên vẹn nằm ở nhà dân. Mảnh vỡ cổ vật cho thông tin chỉ dẫn về di tích khảo cổ, lịch sử văn hóa cộng đồng cư dân địa phương. Mảnh gốm cổ nằm ở vùng cảng biển hoặc cửa biển là dấu hiệu minh chứng nơi ấy từng có giao lưu thương mại trên biển từ nhiều thế kỷ trước.
"Nhiều năm qua, ông Xênh cần mẫn sưu tầm mảnh vỡ cổ vật để rồi mời chuyên gia phục chế, khơi dậy giá trị lịch sử văn hóa, đánh thức hồn cổ vật phục vụ trưng bày du khách tham quan, nghiên cứu. Vượt lên trên cả niềm đam mê, với tình yêu biển đảo nhiệt thành thì mới có thể làm được công việc giàu ý nghĩa như ông", Tiến sĩ Khôi nhìn nhận.
Theo VnExpress