Sau các chuyến bay thử nghiệm thành công, 6 máy bay không người lái do Việt Nam nghiên cứu, chế tạo đã được đưa vào ứng dụng, phục vụ nghiên cứu khoa học.
Liên tục trong 3 ngày từ 17 - 19/5, những chiếc máy bay không người lái đã bay ghi hình, chụp ảnh và đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất để chuẩn hóa số liệu ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh. Vùng trời bay được xác định trong địa giới hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng trong Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (Chương trình Tây Nguyên 3).
Theo kế hoạch, 6 chiếc máy bay sẽ liên tục bay để ghi lại hình ảnh động về hiện trạng tài nguyên rừng, mặt nước tại tỉnh Lâm Đồng với khoảng hơn 10.000 bức ảnh độ phân giải cao tại các tọa độ được định trước.
Trên cở sở đối chiếu với kết quả thu được từ vệ tinh viễn thám sẽ giúp các nhà khoa học có đủ số liệu tin cậy, bổ sung cho quá trình nghiên cứu, tính toán và dự báo trong các chuyên đề.
Hình ảnh được truyền về trực tiếp cho phòng điều khiển. Ảnh: Thanh Niên.
Việc dùng máy bay ở tầm thấp để chụp ảnh, đo phổ các đối tượng tự nhiên trên mặt đất có ý nghĩa rất quan trọng giúp các nhà khoa học đưa ra những phân tích, đánh giá chính xác trên cơ sở kết hợp với ảnh chụp vệ tinh. Lâu nay, nhiệm vụ này vẫn được thực hiện bằng cách sử dụng máy bay có người lái, với chi phí mỗi chuyến bay hàng chục ngàn USD.
Hình ảnh một vườn rau ở TP.Đà Lạt chụp từ máy bay không người lái. Ảnh: Thanh Niên.
Máy ảnh chuyên dụng gắn trên máy bay có độ phân giải cực cao, tốc độ chụp 5 ảnh/giây được đặt chế độ chụp tự động đặc tả vùng rừng, thảm thực vật, mặt nước theo đúng hành trình mà máy bay tác nghiệp. Máy đo phổ kế phản xạ do Viện Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu chế tạo.
Để có kích thước nhỏ gọn phù hợp cho việc lắp đặt trên máy bay không người lái AV.UAV.S2, thiết bị này đã được nhóm nghiên cứu của Viện Vũ trụ kết hợp với Viện Công nghệ không gian tối ưu hóa.
Vườn đồi cà phê. Ảnh: Thanh Niên .
Với việc thu nhỏ kích thước và khối lượng của máy đo phổ kế xạ phù hợp với tải trọng và kích thước của máy bay không người lái, hàng loạt các phép đo nhằm thu thập, xây dựng nguồn thư viện dữ liệu phổ phục vụ khoa học viễn thám thuộc chương trình “Tây Nguyên 3” và các chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng khác sẽ được tiến hành một cách rất thuận lợi. Trong suốt quá trình bay, những dữ liệu hình ảnh đạt chất lượng được truyền thời gian thực về trung tâm xử lý ảnh mặt đất.
Hình ảnh một hồ nước ở huyện Lạc Dương. Ảnh: Thanh Niên.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ không gian – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái cho biết, quá trình thử nghiệm đã giúp nhóm đề tài đánh giá lại độ ổn định của máy bay không người lái đã chế tạo và khả năng thích nghi của những tổ hợp máy bay này trong môi trường không khí rất loãng ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
Máy bay chuẩn bị cất cánh. Ảnh: Chinhphu.vn.
“Các máy bay đã được thử nghiệm trong môi trường bay rất khắc nghiệt, mây dày đặc, nhiều sấm sét, gió xoáy, gió lốc, gió “thăng”, “giáng” tại Đà Lạt. Thực tế đã chứng minh là các máy bay đã hoạt động hiệu quả, chưa có bất kỳ sự trục trặc kỹ thuật nào trong suốt quá trình thử nghiệm”, TS. Lãng nói.
Rời đường băng. Ảnh: Chinhphu.vn.
Chương trình thử nghiệm tại Tây Nguyên lần này tạo tiền đề để các máy bay không người lái Việt Nam do Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo sớm được đưa vào phục vụ các ứng dụng cần thiết khác do hiệu quả sử dụng cao, giá thành sản xuất thấp, tính ứng dụng linh hoạt, đa dạng và tiện ích của nó.
SH