HÀ NỘI (NV) .- Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) lên án nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách ngăn chặn người dân trong nước tiếp cận thông tin thời sự thế giới qua các đài ngoại quốc không bị nhà cầm quyền kiểm duyệt.
Người Việt ở trong nước đã mất cơ hội xem nhiều chương trình truyền hình nước ngoài sau khi Quyết định 20 có hiệu lực. (Hình: Zing)
“Chúng tôi cực kỳ quan ngại quyết định này dẫn đến biện pháp giới hạn dòng chảy thông tin tại Việt Nam nếu các đài truyền hình quốc tế cũng như các công ty phát sóng cho họ không thể làm mọi cách để tiếp tục hoạt động”
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới mới đây đưa ra nhận định như vậy khi 16 đài truyền hình ngoại quốc nhận được lệnh dịch sang tiếng Việt toàn bộ các chương trình của họ khi phát sóng, kể từ ngày 15/5/2013. Đài Truyền Hình Kỹ Thuật Số VN (VSTS), được thành lập bởi tập đoàn truyền thông Pháp Canal + và Đài Truyền Hình Quốc Gia của nhà cầm quyền Hà Nội (VTV), đã ngay lập tức ngưng 21 đài truyền hình, trong đó có CNN, BBC và Star World.
Điều này khiến Việt Nam bị lên án, vì buộc các hãng truyền hình nước ngoài phải trả thêm tiền để Việt Nam thực hiện công việc kiểm duyệt các chương trình truyền hình nước ngoài.
Năm ngoái, chế độ Hà Nội ban hành một quyết định (thường được gọi là Quyết định 20), buộc các đài truyền hình nước ngoài phải trả tiền, để những đối tác mua quyền phát lại các chương trình của họ ở Việt Nam, biên tập, làm phụ đề Việt ngữ cho toàn bộ các chương trình này trước khi chúng được chuyển tới khán giả Việt Nam.
Đúng ra Quyết định 20 có hiệu lực hồi cuối năm ngoái nhưng vì các đối tác phía Việt Nam chưa thuyết phục được những hãng truyền hình nước ngoài đồng ý với việc thực hiện Quyết định 20, nên Hà Nội loan báo dời thời điểm thực hiện Quyết định 20 đến giữa tháng 5 năm 2013.
Giữa tháng 5 vừa qua, vẫn không có hãng truyền hình nước ngoài nào chấp nhận yêu cầu được cho là “kỳ cục” đó. Thành ra các kênh truyền hình cáp tại Việt Nam đã loại bỏ hơn 20 chương trình nước ngoài ra khỏi lịch phát hình.
Trước khi đòi các hãng truyền hình nước ngoài phải trả chi phí dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho tất cả các chương trình được phát tại Việt Nam, chế độ Hà Nội đã từng yêu cầu phát các chương trình nước ngoài chậm lại 30 phút để kiểm duyệt.
Yêu cầu về việc dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho tất cả các chương trình được phát tại Việt Nam đang được suy đoán là hoặc chính quyền CSVN muốn “làm tiền” các hãng truyền hình nước ngoài, hoặc muốn kiểm duyệt kỹ càng hơn.
Đến giờ, ít nhất đã có CNN và BBC phản đối yêu cầu họ phải trả thêm chi phí dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho tất cả các chương trình được phát tại Việt Nam. Dù chi phí dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho tất cả các chương trình được phát tại Việt Nam chưa được tính toán chi tiết, song AFP phỏng đoán, chi phí đó có thể lên tới hàng trăm ngàn USD/năm/chương trình truyền hình.
Tuy vẫn còn một số quốc gia ở châu Á như Trung Quốc, Singapore thực hiện công việc kiểm duyệt các chương trình truyền hình nước ngoài nhưng theo AFP, chưa có quốc gia nào buộc các hãng truyền hình phải “hợp tác” với những “biên tập viên” của nhà cầm quyền và phải trả chi phí cho việc “hợp tác” đó.
Không chỉ bị các hãng truyền hình nước ngoài phản đối, Quyết định 20 còn bị chính công chúng và báo giới Việt Nam chỉ trích. Người ta so sánh, không có quốc gia nào buộc Đài Truyền hình Việt Nam phải dịch các chương trình tuyên truyền ra tiếng địa phương để chứng minh Quyết định 20 là yêu cầu hết sức “kỳ cục”.
Sự “kỳ cục” đó còn tăng lên khi quyền dịch và làm phụ đề Việt ngữ cho các chương trình truyền hình nước ngoài, trở thành đặc quyền của Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam.
Trước làn sóng chỉ trích rộ lên sau khi Quyết định 20 được thực thi, một viên chức phụ trách các chương trình truyền hình cáp của Đài truyền hình Việt Nam, phân bua với AFP rằng, đó không phải là kiểm duyệt. Việc biên tập và buộc dịch, làm phụ đề Việt ngữ cho các chương trình truyền hình nước ngoài chỉ nhằm bảo đảm, “không có chương trình nào trái với luật pháp, nói xấu Việt Nam và đi ngược lại văn hóa của Việt Nam".
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hà Nội cũng biện bạch rằng, Quyết định 20 chỉ nhằm giúp người Việt hiểu nhiều hơn về các chương trình truyền hình nước ngoài và tăng độ hấp dẫn của các kênh nước ngoài đối với người xem ở Việt Nam.
Còn ông Chris Hodges, phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thì nhận xét, các quy định của Việt Nam “giảm mạnh sức sống thương mại của các kênh truyền hình nước ngoài ở Việt Nam”. (G.Đ)
NV