Trong năm học 2013-2014, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội được quy định là 2.900.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.000.000 đồng.
Tiếp đó, năm học 2014-2015, mức trần học phí đối với trường mầm non, tiểu học được quy định là 3.200.000 đồng, trường THCS và PTTH là 3.400.000 đồng.
Đây là nội dung của Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được HĐND TP. Hà Nội thông qua sáng 6/7.
|
Lớp học chất lượng cao phản cảm và phản giáo dục. (Ảnh minh họa) |
Nghị quyết được áp dụng trong 2 năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015, sau đó sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 18 trường công lập theo mô hình dịch vụ chất lượng cao, trong đó mô hình chất lượng cao toàn phần có 13 trường và mô hình chất lượng cao từng phần có 5 trường.
Trước đó, câu chuyện hai phòng học của trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Thanh Xuân đẹp đẽ, lộng lẫy như lớp học của trường quốc tế. Với toàn bộ những hạng mục mới đó cùng bảng tương tác, tổng chi phí cho lớp học này lên đến hơn 300 triệu đồng bên cạnh những lớp học cũ kỹ, nghèo nàn khiến nhiều phụ huynh lo ngại.
Lớp học “Vip” này được học theo mô hình lớp học tương tác. Đây là mô hình lớp học đang được thực hiện ở rất nhiều trường theo mô hình dự thảo của Bộ GD-ĐT đưa ra từ năm 2012, cho phép thu học phí cao đối với mô hình dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Dự thảo này khiến dư luận lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lớp tư trong trường công, tạo sự phân hóa lớn giữa các học sinh.
Trả lời trên báo PLTP, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thẳng thắn: Ngay từ đầu, khi nghe về thông tư tôi đã cho rằng nó sai từ gốc và không nên được áp dụng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Vì nó tạo ra nhiều điều bất lợi cho môi trường giáo dục.
Bất lợi lớn nhất đó chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong một trường, khiến cho học sinh cũng tự phân biệt giàu nghèo, tự ti, coi thường bạn học khác.
PGS Nhĩ cũng cho rằng, nếu Nhà nước không ôm nổi các trường công, nên tạo điều kiện để các trường tư thục phát triển. Hệ thống này phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội chọn lựa cho phụ huynh hơn.
PGS Văn Như Cương cũng cho rằng, việc tồn tại mô hình lớp "VIP" giữa trường công sẽ nảy sinh tâm lý kiêu ngạo của những học sinh bố mẹ có điều kiện. Trong khi, đa số các em học sinh khác có cảm giác tự ti. Chưa nói đến, bản thân các trường học vì mục đích kinh tế mà dồn toàn lực cho các lớp "VIP" sao nhãng việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các lớp thường. Chính những hệ lụy đó nên PGS Văn Như Cương cho rằng cần xem xét, cân nhắc lại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc khẳng định, việc đóng tiền để xây dựng một lớp học hiện đại, theo dạng "VIP" trong trường công là điều cực kỳ phản cảm. "Chả khác nào dạy con em mình phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp?", ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Xuân Tùng (tổng hợp)