GiadinhNet - Sáng 6/8, thi thể Trần Hữu Hiệp về với đất mẹ trong những tiếng khóc vỡ òa của người dân nghèo xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Sau khi căng sức mình cứu được 4 người và nhường áo phao cho 1 phụ nữ mang thai, trong vụ đắm tàu tang thương tại vùng biển Cần Giờ, Thành phố HCM. Trong giây phút sinh tử giữa muôn trùng biển khơi, anh đã nhường cơ hội sống của mình cho người khác, để rồi giữa biển cả bao la trước sóng to, gió lớn sự sống mới được hồi sinh…
Xóm nghèo trắng đêm mong ngóng anh về
Suốt 4 ngày trôi qua, kể từ khi nhận được hung tin Trần Hữu Hiệp mất tích giữa biển khơi sau hành động cao đẹp, xóm nghèo xã Thạch Long bao trùm không khí tang thương, mọi người trắng đêm mong ngóng anh về - nơi anh cất tiếng khóc chào đời, cũng là nơi ôm ấp, sưởi ấm anh sau bao ngày đêm lạnh lẽo giữa biển khơi. Anh ra đi mãi mãi khi tuổi xuân tràn trề. Sự hi sinh cao cả của Trần Hữu Hiệp là khởi đầu cho sự sống khác.
Trưa cùng ngày, PV tìm về xóm 4, xã Thạch Long, 2 bên đường chật cứng người dân khi vừa tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng trong nước mắt xen lẫn lòng cảm phục. Mọi người vẫn đang còn nán lại như muốn kéo dài thêm phút giây tiễn biệt thiêng liêng. Trong căn nhà 3 gian sập xệ, tiếng khóc ai oán, bi thương của những mái đầu bạc văng vẳng gọi con về khiến không gian như đặc quánh sự đau thương. Nằm song song với bàn thờ con, bà Nguyễn Thị Thìn, mẹ của Hiệp suy sụp hoàn toàn. Không thể gượng dậy, thỉnh thoảng bà thều thào gọi tên con trong cổ họng.
Nước mắt của người mẹ già đã cạn từ khi nhận được tin dữ. Bà nằm đó ngước mặt nhìn mọi người xung quanh rồi quay lại bàn thờ con, hai tay giơ lên như đang muốn níu kéo hình ảnh đứa con bà đứt ruột đẻ ra hãy quay về, ở ngoài kia lạnh lẽo, cô độc lắm: “Sao ông trời không bắt tôi đi thay nó” bà ngất lịm trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Bà Nguyễn Thị Thìn, mẹ của Hiệp suy sụp hoàn toàn. Ảnh N.Hưng
Ngồi trơ trơ như một bức tượng, phải mất khá lâu ông Trần Hữu Trọng (SN 1957), bố của Hiệp ôm mặt khóc nức nở: "Vợ chồng tôi sinh được 3 thằng con trai, Hiệp là con út. Hàng tháng nó thường điện về hỏi thăm sức khỏe từng người một, nó là đứa chu đáo, sống tình cảm. Học xong Cao đẳng hóa chất Phú Thọ, nó ngược xuôi kiếm việc làm, trước kia nó làm trong Đà Nẵng cho một công ty ngoài Hà Nội. Cách đây gần 2 năm xin vào làm tại Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, từ khi vào đó làm mới về quê 1 lần vào dịp tết vừa rồi. Gia đình giục lấy vợ nó cười bảo chờ thêm một thời gian nữa làm tích góp được ít tiền mới tính đến chuyện đó. Do mới vào làm nên thu nhập cũng chẳng được là bao, thỉnh thoảng gửi tiền về mua thuốc cho mẹ nó vì căn bệnh rối loạn tiền đình não. Nguồn thu nhập chính của gia đình từ 3 sào ruộng, vợ chồng già thường xuyên đau ốm, đời sống rất khó khăn. Nhận được tin nó mất tích trên biển tôi không tin vì nó là đứa biết bơi, ngày còn ở nhà hay ra sông Bưởi tắm…vậy mà nó bỏ chúng tôi ra đi mãi mãi" - ông Trọng đau khổ nói.
Ông Trần Hữu Trọng (bố của Hiệp) và anh trai thứ hai Trần Hữu Điệp không tin con mình đã ra đi mãi mãi./Ảnh N.Hưng
Người cha già nhìn di ảnh con khi biết hành động cao cả nhường áo phao cho một phụ nữ đang mang thai nỗi đau như phần nào được nguôi ngoai: “Cả đời vất vả lo cho các con ăn học, chỉ mong chúng nên người. Khi nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng biết được hành động dũng cảm của con mình, dù đau thương nhưng tôi rất tự hào”, ông Trọng nghẹn ngào cho biết thêm.
Xã phát động phong trào học tập, noi gương anh Hiệp
Anh Trần Hữu Điệp (SN 1985), anh trai thứ 2 của Hiệp chia sẻ: "Hiệp là người hiền lành, ít nói, siêng năng. Ngày còn học ở nhà thường xuyên giúp đỡ mọi người. Trước hôm mất tích 2 ngày, tôi có điện thoại báo em, cuối năm tôi cưới vợ, nó chúc phúc trước cho chúng tôi và hứa cuối năm sẽ về dự đám cưới. Trước đó vào dịp 30/4, em nó có điện về sẽ gửi cho bố mẹ hơn 30 triệu đồng để sửa nhà, nhưng sau đó cho nó cho bạn mượn chưa lấy được nên hẹn cuối năm về sửa nhà và dự đám cưới tôi luôn. Ai ngờ em lại về trước lời hứa một cách đau đớn như thế này. Sáng nay Công ty đưa thi thể em về an táng theo phong tục địa phương và gửi gia đình trước 30 triệu đồng lo hậu sự."
Di ảnh anh Trần Hữu Hiệp.Ảnh N.Hưng
Ông Lê Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết: "Hiệp là người chăm ngoan, chịu khó, yêu thương bố mẹ. Gia đình làm nghề nông nên cũng vất vả. UBND xã hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng để lo mai táng. Trong sáng nay, khi thi thể anh về, các đoàn thể và lãnh đạo huyện Thạch Thành cũng đã đến chia buồn, hỗ trợ gia đình".
"Chúng tôi rất tự hào trước hành động anh dũng của Hiệp, mong sao Nhà nước xem xét có thể tặng giấy khen, bằng khen để gia đình được an ủi phần nào. Anh Trần Hữu Hiệp ra đi là một mất mát lớn đối với gia đình, song hành động cao cả của anh là một tấm gương sáng ngời. Thời gian tới, xã Thạch Long sẽ phối hợp với huyện đoàn phát động phong trào học tập, noi gương anh Hiệp trong phong trào thanh niên địa phương", ông Dũng cho biết thêm.
Đại diện phía Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin anh Hiệp nhường cơ hội sống của mình cho người khác trong lúc nguy nan nhất, Tỉnh đoàn Thanh Hóa sẽ tuyên truyền tấm gương của anh Hiệp để các bạn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh học tập.
Khoảng 21h ngày 2/8, tàu khách H29 chở 30 công nhân, chuyên gia của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam đang trên đường đi dự đám cưới từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi đi qua sông Soài Rạp (Cần Giờ, TP HCM), tàu được cho là gặp sóng lớn và bị chìm, 21 người được cứu, 9 người mất tích. Sau 3 ngày tìm kiếm, sáng 5/8, xác 2 nạn nhân cuối cùng được tìm thấy. Trong số 9 người chết có anh Trần Hữu Hiệp(SN 1988). Khi ca nô lật úp Hiệp đã lao ra giữa gió to, sóng lớn cứu được 4 người đưa lên thuyền. Đang chới với giữa dòng nước thấy một người phụ nữ mang bầu, yếu ớt bám vào thân cano, Hiệp đã không tiếc mạng sống cởi áo phao đưa lại cho người này. Nhường xong chiếc áo, Hiệp bám vào thành tàu nhưng liên tục bị nhiều cơn sóng khác đánh dạt ra, sau 1 hồi vật lộn kiệt sức, Hiệp bị sóng nhấn chìm.
Ngọc Hưng