Có hay không chuyện bò tót lạc đàn xuống núi chung sống với bò nhà, sản sinh ra những con bê lai tại Vườn quốc gia Phước Bình.
Vườn quốc gia Phước Bình và trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng đang cùng nhau thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng’’, nhằm làm rõ có hay không chuyện bò tót lạc đàn xuống núi chung sống với bò nhà, sản sinh ra những con bê lai.
Hạ sơn gieo rắc con lai
Bò tót đực đang chung sống với đàn bò nhà của nông dân.
Vườn quốc gia Phước Bình có độ cao 200 – 1.900m, diện tích 19.814ha, thuộc địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận. Vườn hiện có 327 loài động vật thuộc 94 họ, 28 bộ; có 69 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN). Trong đó, có quần thể gần 80 con bò tót sinh sống bầy đàn.
Từ cuối năm 2009 đến nay, một con bò tót đực lẻ bầy xuống núi “tạm trú” ở tiểu khu 16 thuộc thôn Bạc Ray 2, rồi nhập bầy với đàn bò cái của nông dân địa phương. Theo quan sát của các nhà khoa học, con bò tót này cao 1,7m, thân dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn.
Sau hơn ba năm bò tót đực xuống núi, từ phản ánh của nông dân địa phương, cán bộ vườn quốc gia Phước Bình phát hiện có 11 con bê do bò cái nhà sinh sản nhưng lại có ngoại hình và màu lông rất giống bò tót. Những con bê lai F1 này to lớn hơn bò nhà cùng tuổi, đuôi to và ngắn, không có u vai và yếm rốn, đầu hơi nhỏ, trán rộng và lõm, mặt hình chữ V, sừng nhọn và phát triển sớm...
Khi mới sinh, bê lai có lông màu nâu vàng hoặc xám nâu khác biệt so với bê nhà. Sau 3 – 4 tháng tuổi, màu lông bê lai chuyển dần sang nâu đen toàn thân, lông chân từ khuỷu xuống móng có màu trắng. Theo viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, khả năng lai giống giữa bò tót với bò nhà là có thể, bởi chúng cùng loài và cùng số nhiễm sắc thể.
Cái lợi của thói lang chạ
Để làm rõ hiện tượng sinh học kỳ thú này, hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã cùng nhau triển khai dự án nghiên cứu khoa học nói trên với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của hai tỉnh, thực hiện trong ba năm 2013 – 2016, giao cho hai đơn vị chức năng trực tiếp thực hiện là trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng và vườn quốc gia Phước Bình. Phục vụ cho nghiên cứu khoa học này, các nhà khoa học đã mua mười con bê lai F1 làm đối tượng nghiên cứu giám định gen di truyền giữa bò tót và bò nhà.
Các bước tiếp theo là nghiên cứu khả năng sinh trưởng của đàn bò lai F1 từ lúc sơ sinh đến 24 tháng tuổi và trưởng thành; nghiên cứu khả năng sinh sản của đàn bò cái lai F1 để tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò đực chuyên thịt cao sản; nghiên cứu khả năng sinh sản của bò cái nền lai Zê – bu tạo ra đàn bê lai F2 bằng phương pháp phối giống trực tiếp với bò đực lai bò tót F1; xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, thuê mướn nhân công chăm sóc đàn bò…
Theo ThS Nguyễn Công Vân, giám đốc vườn quốc gia Phước Bình, nếu kết quả giám định gen xác nhận đàn bê lai F1 giữa bò tót đực và bò cái nhà là đúng thì đây là trường hợp lai tạo quần thể tự nhiên hiếm gặp ở Việt Nam từ trước đến nay. “Đây là sự kiện khoa học và có giá trị thực tiễn quan trọng đối với ngành chăn nuôi đại gia súc, mở ra triển vọng mới về giống bò thịt có khả năng cho năng suất chất lượng cao hướng tới giá trị thương hiệu bò lai Ninh Thuận – Lâm Đồng”, ông Vân chia sẻ.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị