Đang đi xe đạp trên đường, do va chạm với xe tải đang lưu thông, một giáo viên người nước ngoài đã bị cán chết tại chỗ.
Giáo viên nước ngoài chết do va chạm với xe tải
Vụ tai nạn xảy ra khoảng 9h50' ngày 9/9 tại giao lộ Lưu Trọng Lư – Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM).
Tại hiện trường, đoạn đường cua gấp, chiếc xe đạp bị biến dạng, nhiều bộ phận xe đạp vương vãi.
Vào thời điểm trên, ông Wayne Madison (55 tuổi, quốc tịch Mỹ) chạy xe đạp trên đường Huỳnh Tấn Phát để vào cảng bến Nghé. Khi vừa qua giao lộ trên thì xảy ra va chạm với xe tải do tài xế Võ Minh Tâm (23 tuổi) điều khiển chạy cùng chiều.
Cú va chạm khiến ông Wayne Madison té xuống đường và bị chính bánh xe tải này cán chết tại chỗ. Tại hiện trường, chiếc xe đạp bị biến dạng.
Chiếc xe đạp bị méo mó, biến dạng.
Nhận được hung tin, người vợ Việt Nam của ông Wayne Madison chạy tới hiện trường tai nạn khóc gào. Theo bà này, ông Wayne Madison là giáo viên dạy tiếng Anh. Sáng nay, ông báo với gia đình là đi dạy học, chiều sẽ về nhà.
Tại hiện trường, đoạn đường cua gấp, chiếc xe đạp bị biến dạng, nhiều bộ phận xe đạp vương vãi. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng công an, dân phòng nhanh chóng có mặt tại hiện trường điều tiết và phân luồng giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn khiến ông Wayne Madison chết tại chỗ.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an TP.HCM, Viện kiểm sát TP cũng có mặt để điều tra vụ việc.
Đến 13h cùng ngày, sau khi khám nghiệm hiện trường xong, thi thể ông Madison được đưa về nhà xác.
TS khảo cổ Nhật, Giáo sư toán học cũng bị tai nạn giao thông
Trước đó, sáng 9/6/2013, trên đường đi công tác bằng xe máy, Tiến sĩ khảo cổ Nishimura Masanari (48 tuổi, thuộc ĐH Osaka, Nhật Bản) bất ngờ bị xe tải tông trúng trên QL 5 đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Hơn 20 năm qua, ông có nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ có giá trị ở Việt Nam. Ông là người phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước đến nay, có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên...
Đây không phải là lần đầu tiên một chuyên gia nước ngoài bị tai nạn giao thông ở Việt Nam. Giáo sư người Mỹ Seymour Papert từng được coi là 'viên đá quý' của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), khi ông sang Việt Nam dự một hội thảo về toán học do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức đã bị xe máy tông vào chiều 5/12/2006.
Giáo sư Papert bị tai nạn khi băng qua ngã tư Đại Cồ Việt, lúc đang trao đổi với bạn đồng hành về việc mô phỏng bằng toán học để mô tả tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội.
Ngay sau đó ông bị hôn mê sâu, chấn thương sọ não, ông được đưa vào Bệnh viện Việt Pháp để cấp cứu. Sau hai lần phẫu thuật, giáo sư Papert đã qua cơn nguy kịch và đến ngày 16/12 năm đó gia đình đã đưa ông về Mỹ, nơi ông phải nằm điều trị trong vài tháng. Các bác sĩ cho biết phải mất vài năm, chấn thương sọ não của ông mới có thể bình phục hoàn toàn.
Ngành giao thông Việt Nam không chỉ mang lại thương tâm cho bao gia đình Việt mà nỗi đau đã chảy sang tận nước bạn xa xôi. Nỗi đau của gia đình Giáo sư Papert chưa bao giờ nguôi ngoai khi nền toán học thế giới mất đi một vị giáo sư nổi tiếng. Dù đã bình phục được một phần nào sau tai nạn tại Hà Nội nhưng GS Papert vẫn không thể lấy lại được hình ảnh một chuyên gia toán học năm nào.
Vấn đề giao thông ở Việt Nam khiến người nước ngoài luôn tỏ ra sợ hãi. Những cái chết không được báo trước rình rập tất cả mọi người. Những người nước ngoài họ sẽ nghĩ gì về giao thông Việt Nam?
Kinh hoàng giao thông Việt Nam trong con mắt người nước ngoài
Franz, đến từ nước Đức chia sẻ. "Theo tôi, Hà Nội là một thành phố tương đối thanh bình và ổn định về mặt chính trị so với một số nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên làm tôi thật sự choáng ngợp pha lẫn sợ hãi đó là tình hình giao thông ở đây.
Khủng khiếp nhất có lẽ là ở các ngã ba hay ngã tư nơi không có đèn giao thông, các phương tiện đi lại ngược xuôi, rẽ trái rẽ phải mà không theo một quy luật nào. Ở những nơi này mỗi người dường như tự tạo ra quy luật giao thông riêng cho chính mình. Để sang được đường quả là một thách thức rất lớn đối với người đi bộ cho dù bạn có là người Việt Nam hay người nước ngoài đi nữa".
Theo trang tin Huffington Post của Mỹ cũng hình tượng hóa giao thông Việt Nam như một đàn cá lớn tràn vào lòng đường, nhảy một vũ điệu hỗn độn. Vũ điệu này lặp lại từng phút trên đường phố, khiến nơi đây trở thành chốn nguy hiểm nhất trên đất nước.
Huffington Post đề cập thêm: Những vấn đề về giao thông Việt Nam tỷ lệ thuận với mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được chú trọng đầy đủ. Đường hẹp, giao thông đông đúc dẫn tới tình trạng ùn tắc trong giờ cao điểm. Xe máy thi nhau xả khói, bóp còi inh ỏi, tràn lên cả vỉa hè. Người lái xe không quan sát khi lao ra đường hoặc rẽ, quay đầu ở các điểm giao cắt.
Cũng theo Huffington Post, người đi bộ trên đường phố Việt Nam giống như đang tham gia chơi phiên bản thực tế của game Frogger (Đưa ếch qua đường). Trong game này, người chơi phải điều khiển cho ếch của mình vượt qua chuỗi các phương tiện giao thông dày đặc. Tương tự như vậy, người đi bộ qua đường ở Việt Nam hết phải tránh xe bus chèn ép, xe máy chen chúc lại tới tránh xe thồ, bán hàng rong.
Trong khi đó, trang CBSnews của Mỹ ví giao thông Việt Nam như “địa ngục”, tham gia giao thông ở Việt Nam như dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà kết thúc không biết sống chết thế nào.
Tấ cả những vụ tai nạn kinh hoàng...đang dần làm những hình ảnh Việt Nam xấu xí trên các trang báo nước ngoài, dưới con mắt của những du khách.
Huyền Hồ (Tổng hợp)
BDV