(GDVN) - Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo những mối đe dọa nghiệm trọng gây ra bởi sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và Trung Quốc đang cố gắng giành quyền kiểm soát tuyến hàng hải trọng yếu và nhạy cảm này.
Tàu quân y hải quân Trung Quốc "Hòa bình"
Một chiếc tàu bệnh viện hải quân Trung Quốc đã cập cảng Sihanoukville vào thứ Ba, bề ngoài là để cung cấp các dịch vụ y tế và thương mại miễn phí cho công dân Trung Quốc và Campuchia.
Đây là điểm dừng chân cuối cùng của con tàu này sau 4 tháng cơ động và cập cảng các nước Brunei, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Maldives và Indonesia và dành nhiều thời gian trong Vịnh Aden giữa Yemen và Somalia, nơi hải quân Trung Quốc có một lực lượng chống cướp biển.
"Chúng tôi có nhiều bạn bè trong khu vực và bằng việc thực hiện nhiệm vụ này chúng tôi tăng cường tình bạn của mình trên biển", người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia phát biểu.
Sam Chanmala, một đại diện cho các nhân viên y tế Hoàng gia Campuchia ở cảng Sihanoukville cho biết các nhân viên y tế Trung Quốc sẽ được tàu "Hòa bình" gửi đến các trường học trong khu vực, chuyến thăm này là để tăng cường quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc.
"Hòa bình" dài 178 mét, có 102 nhân viên y tế kiêm thủy thủ đoàn và có thể tiếp nhận điều trị 500 lượt bệnh nhân mỗi ngày.
Tàu quân y "Hòa bình" của hải quân Trung Quốc cơ động men theo "chuỗi ngọc trai", tăng cường sự hiện diện quân sự và kinh tế của Trung Quốc trên tuyến hàng hải huyết mạch nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Tuyến đường cơ động của con tàu hải quân Trung Quốc này gần giống với vị trí của cái gọi là "chuỗi ngọc trai" Trung Quốc, một mạng lưới các cảng ở các nước thân thiện với Bắc Kinh, trải dài từ Trung Quốc đến Vịnh Ba Tư mà một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã thúc đẩy khuyến khích sự hiện diện quân sự và kinh tế của nó ở Ấn Độ Dương.
Hồi tháng 4, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo những mối đe dọa nghiệm trọng gây ra bởi sự hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương và Trung Quốc đang cố gắng giành quyền kiểm soát tuyến hàng hải trọng yếu và nhạy cảm này.
Đáng chú ý, trong lần "thực hiện nhiệm vụ" này, tàu "Hòa bình" của hải quân Trung Quốc cũng cơ động trái phép gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang là đối tượng tranh chấp giữa 5 nước 6 bên.
Hồng Thủy