Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (sản xuất da giày), nhiều doanh nhân nữ đã chọn kinh doanh là sự nghiệp, chứ không phải là một nghề mưu sinh như nhiều năm trước.
|
Doanh nhân nữ đang thúc đẩy và thay đổi quan niệm về phụ nữ trong kinh doanh. |
Theo bà Liên, trong giai đoạn kinh tế hiện nay, vai trò của người lãnh đạo trong mỗi doanh nghiệp khác biệt không phải vì giới tính, mà tùy tham vọng của mỗi người. Người thì quyết định cố thủ, tiết kiệm chi phí, cố gắng bảo vệ thị trường của mình. Người thì muốn vươn xa hơn trong các lĩnh vực có thể có lợi nhuận thêm nữa.
Cũng theo bà Liên, có thể bà đắn đo, chi li và ít mạo hiểm trong các quyết định kinh doanh của mình hơn các đồng nghiệp nam.
'Nếu không thấy được sự đảm bảo về lối thoát khi mở rộng đầu tư, tôi sẽ không làm, hoặc nếu có làm, thì cũng thực hiện theo lộ trình, chứ không dàn trải để không thể kiểm soát được', bà Liên chia sẻ.
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế thế giới (Hoa Kỳ), Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có tốc độ tăng trưởng vượt trội về số lượng doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ.
Bà Laurel Delaney, một chuyên gia về kinh doanh và một chủ doanh nghiệp, là người sáng lập trang mạng GlobeTrade.com đặt tại TP. Chicago, khi phân tích nghiên cứu của viện này đã phát hiện rằng, khác với những năm trước, phụ nữ kinh doanh để mưu sinh, thì hiện tại, họ đã kinh doanh 'vì nhìn thấy cơ hội và cả vì sự thành công của doanh nhân nữ đi trước'.
'Điều này chứng minh một thực tế là, phụ nữ đang thúc đẩy và thay đổi quan niệm về mình và chuyện kinh doanh trong xã hội hiện đại. Họ là những người dám làm và đang tiếp sinh lực cho nền kinh tế', bà Laurel Delaney chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, sự thay đổi đó đang được thúc đẩy mạnh hơn ở Việt Nam bởi hệ thống chính sách. 'Doanh nhân nữ trong xã hội hiện đại đã có những bước thay đổi vượt bậc cả về tư duy', bà Minh nói.
Nhìn vào 13 đề án vừa được trao Giải Sáng tạo Việt Nam năm 2013, công bố hồi đầu tháng 10 dành cho các doanh nhân nữ, mới thấy hết sức ảnh hưởng của các doanh nhân nữ đang tạo nên cho nền kinh tế. Có thể kể tới Đề án 'Làm chủ cuộc đời dành cho các chị em di cư làm việc tại các tổ giặt là của Hà Nội', Đề án 'Đổi mới công nghệ sản xuất nấm ăn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nữ' của Công ty TNHH Nấm Linh Chi...
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đơn vị tài trợ thực hiện các đề án này, thì các chị được nhận giải vì những sáng tạo nâng cao quyền và năng lực kinh tế của phụ nữ...
Bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty Lexim cho rằng, khi gặp khó khăn, doanh nhân thường có tâm lý khó chấp nhận giảm quy mô, cắt giảm nhân sự, bỏ một dự án đầu tư. Trong khi đó, doanh nhân nước ngoài lại rất quen việc đó và coi đó không phải là thất bại, mà là chiến lược để vượt qua khó khăn.
Là phụ nữ làm kinh doanh, có đôi lúc, tôi bi quan và mất tự tin về quy mô hoạt động của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, tôi đã chấp nhận mất mát, nhặt từng viên gạch nhỏ để xây dựng doanh nghiệp mình và xác định được vị trí quan trọng của mình đối với các đối tác nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam:
Doanh nhân nữ đã có bước thay đổi vượt bậc cả về tư duy, mối quan tâm, cách nhìn nhận, đánh giá công việc và khả năng thích ứng. Khi chúng tôi gặp nhau, câu chuyện không chỉ là kinh doanh, mà còn cả tình hình thời sự, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thậm chí cả những trận bóng đá hay... Tất nhiên, sức khỏe, gia đình là câu chuyện không thể thiếu.
Nhưng để trả lời câu hỏi doanh nhân nữ hiện đại có cân bằng tốt cuộc sống gia đình hay không thì vẫn không dễ. Một doanh nhân nữ thành đạt đã tâm sự rằng, mình như diễn viên xiếc thăng bằng trên dây, một bên là gia đình, bên kia là doanh nghiệp, chỉ một phút sao nhãng là ngã nhào.
Theo
Báo Đầu tư