Nguyễn Phương
Kỳ 1: Chừng nào Việt Nam có thể vào giải World Cup?
Giấc mơ World Cup có lẽ vẫn có đâu đó trong lòng dân ái mộ túc cầu Việt, tuy suốt những năm chiến tranh, rồi đói kém, đấy chỉ là một giấc mơ hoang tưởng, mơ mộng cho vui, chính người mơ cũng hoàn toàn không tin vào khả năng giấc mơ ấy thành sự thật.
Đội tuyển VNCH, huy chương vàng SEAP Games 1959. Hàng trước: Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư. Hàng giữa: Thanh, Hiếu, Myo. Hàng sau: Tỷ, Rạng, Cự. (Nguồn: blog Nguyễn Ngọc Chính)
Tuy thế, trong khu vực Đông Nam Á, túc cầu Việt Nam đã có những thành tích đáng kể ngay trong thời chiến tranh. đội tuyển nam của Việt Nam Cộng Hòa đã thắng một lần, đứng nhì 2 lần, thứ ba 3 lần trong tám Bán Đảo Đông Nam Á Vận Hội (SEAP Games) từ 1959 đến 1975. Đội tuyển nước Việt Cộng Sản ngày nay chưa thắng giải Đông Nam Á Vận Hội (SEA Games) lần nào, nhưng đứng thứ nhì 5 lần, thứ ba 1 lần và thứ tư 2 lần trong 19 giải từ 1977 đến 2013. Lần duy nhất đội này trở thành vô địch là trong giải Tiger 2008, một giải túc cầu khu vực khác. Trong 9 lần giải này, Việt Nam cũng xếp hạng nhì 1 lần khác và vào bán kết 7 lần.
Điểm đáng chú ý là Việt Nam đoạt giải nhì lần đầu trong Đông Nam Á Vận Hội, tức lần đầu có thứ hạng trong khu vực, vào năm 1995, bảy năm sau thời đổi mới, có nghĩa vào lúc kinh tế Việt Nam bắt đầu rục rịch phát triển và theo đó dân chúng bớt đói nghèo hơn, có nghĩa cầu thủ túc cầu cũng ăn no hơn và có sức hơn để thi đấu.
Nếu giấc mơ World Cup đã chuyển thể từ mơ mộng cho vui trở thành hoài bão muốn thực hiện trong lòng một số người vào thời điểm ấy thì cũng không có gì lạ. Lúc ấy Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng và hy vọng của thế giới rộng lớn ùa vào sau thời gian bị bưng bít và gò bó triệt để, nên những ước mơ bị dồn nén tìm thấy cơ hội đâm chồi nẩy lộc là điều tự nhiên.
Cho đến nay, giấc mơ World Cup vẫn chỉ là hoài bão. Chưa thắng nổi Đông Nam Á Vận Hội, chưa là nhất trong khu vực, có nghĩa đội tuyển Việt chưa có cơ hội qua mặt ít nhất một trong hai cường quốc túc cầu trong vùng là Nhật và Nam Hàn, hoặc một vài quốc gia châu Á khác như Iran và Úc chẳng hạn để được chính thức vào giải World Cup.
Rào cản duy nhất của đội Việt Nam, dĩ nhiên là tài nghệ đá bóng. Trong hai chữ “tài nghệ” này, thành phần ảnh hưởng đội Việt Nam nhiều nhất chính là thể lực. Trong hai từ “thể lực” là hai yếu tố quan trọng và tương tác: tầm vóc và sức bền. Không có tầm vóc thì ảnh hưởng đến sức bền, cho dù có tầm vóc mà không có sức bền hoặc ngược lại thì cũng không hiệu quả.
Như thế, rào cản lớn nhất của đội Việt Nam hiện nay chính là tầm vóc. Dân da vàng, châu Á, vốn dĩ nhỏ bé, mảnh khảnh, ít bắp thịt hơn người da trắng, và ít sức bền, dẻo dai hơn người da đen. Điều này không có nghĩa là dân châu Á không thể tranh đua về mặt này, nhưng sự thay đổi cần thời gian. Nhìn đến Nhật và Nam Hàn, so với trước kia dân tộc họ đã cao hơn và bền bỉ hơn, và sự thay đổi ấy cần dinh dưỡng đầy đủ cùng thời gian để những thế hệ tương lai ít ra không chênh lệch quá mức so với người Âu Mỹ. Cũng cần phải nói rằng cùng lúc dân Âu Mỹ cũng đang cao hơn vì mức dinh dưỡng đồi dào hơn.
Đội tuyển túc cầu của một quốc gia thường cao hơn trung bình trong dân số và đội tuyền Việt Nam cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Cầu thủ đội này cao từ 1m 62 đến 1m 79, 53-75 kg, nhưng đa số nằm trong khoảng 1m 70- 1m 72, 56-70 kg.
Đội tuyển quốc gia Nhật có chiều cao từ 1m 69 đến 1m 89, 64-85 kg, đa số trong khoảng 1m 78-1m 85, 74-79 kg, trung bình là 1m 77. Đội tuyển quốc gia Nam Hàn có chiều cao trung bình là 1m 81. Như vậy, so với đội Nam Hàn và Nhật, cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam thua trung bình ít nhất 8cm chiều cao và hơn 10kg trọng lượng, hai yếu tố quan trọng của chất lượng thi đấu. Thế mà cả hai đội Nhật và Nam Hàn, dù được dự giải World Cup năm nay, đã bị loại ngay từ vòng đầu, và trong hai nhóm không có gì là ghê gớm lắm.
Ra khỏi châu Á, đội tuyển quốc gia có chiều cao trung bình thứ nhất là đội Đức với 1m 85. Đội Ghana, chiều cao trung bình hơn 1m 78, đã nói sau trận hòa với Đức rằng đấu với chiều cao của đội Đức rất khó khăn, vì 5-7cm khác biệt có nghĩa là bất lợi khi tranh đội đầu bóng trong lúc tấn công cũng như phòng thủ, và cặp chân dài của cầu thủ Đức có nghĩa là những cú thọt ngáng để tranh bóng cũng hiệu quả hơn.
Chừng nào chiều cao và cân nặng của cầu thủ Việt ngang ngửa với những số liệu quốc tế? Trong điều kiện tối ưu, có thể cũng không bao lâu, không chừng chỉ hai, ba lần World Cup nữa. Tài nghệ? Đấy lại là một câu hỏi khác, cũng dựa trên hoàn cảnh kinh tế (tiền thù lao cho huấn luyện viên ngoại quốc trong lúc đào tạo huấn luyện viên nội địa), và trong điều kiện tối ưu, có thể cũng chỉ thêm vài World Cup nữa.
Mơ mộng viễn vông chăng? Có thể lắm. (np)
VD