Các tổ chức quốc tế và nhiều tờ báo uy tín gần đây đưa ra những đánh giá khá tích cực về thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 cũng như triển vọng sáng sủa trong tương lai.
Chỉ số và niềm tin
Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo về niềm tin tiêu dùng của người Việt Nam trong tháng 11/2014. Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng vọt lên 140,9 điểm, cao hơn nhiều so với mức trung bình 133 điểm tính từ đầu năm đến nay. Theo ANZ, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng này tăng mạnh chủ yếu là do sự tự tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới.
Theo WSJ, việc Việt Nam cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu BĐS sẽ giúp nhu cầu đối với BĐS tăng lên.
"Chúng tôi tin rằng động lực chính đang ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng ở Việt Nam là việc lạm phát đang chậm lại và việc cắt giảm giá nhiên liệu trong tháng qua đã giúp tăng lượng tiền dành cho chi tiêu và do đó củng cố nhận thức của chính người tiêu dùng về sức mua của họ", Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ đánh giá.
Hồi đầu tháng 11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch cũng đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Mức xếp hạng phát hành trái phiếu Chính phủ (IDR) bằng đồng nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam được nâng lên một bậc từ mức "B+" thành "BB". Đồng thời, mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ cũng được nâng từ mức "B+" lên mức "BB-". Triển vọng dài hạn ở mức "ổn định".
Theo Fitch, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định. Tăng trưởng GDP tiếp tục duy trì ở mức khả quan trung bình khoảng 5,6%. Lạm phát cũng giảm mạnh so với mức trung bình 6,6% năm 2013. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác.
Trước đó, cuối tháng 7/2014, Moody's cũng đã nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc từ B2 lên B1.
Trong tuyên bố nâng hạng tín nhiệm, cả hai tổ chức Moody's và Fitch đánh giá đã đề cập tới sự ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế khởi sắc, và cán cân tài chính quốc tế tốt lên. Trong tương lai, nếu hệ thống ngân hàng được ổn định, nợ xấu được kiếm soát và đảm bảo an toàn nợ công ở ngưỡng cho phép thì Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng hệ số tín nhiệm.
Ngoại trừ một số điểm lo ngại về tiến trình cổ phần hóa khá chậm và lạm phát thấp được liên tưởng tới sức cầu yếu, đa số các đánh giá đều tích cực và đây là điểm "cộng" hấp dẫn các NĐT nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hội nhập sâu rộng hơn nữa. Đây là một cơ hội tốt để duy trì tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội Việt Nam cũng đã ấn định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30-32% GDP...
Mạnh mẽ vượt khó
The Wall Street Journal hôm 26/11 đưa thông tin Việt Nam chính thức thông qua chính sách cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu bất động sản (BĐS) sau một thời gian dài thực hiện thí điểm. Việc sửa đổi cũng cho phép cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm. Luật sửa đổi nới lỏng các điều kiện đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, giúp đối tượng này có đầy đủ quyền sở hữu BĐS tại Việt Nam.
Đây là một tín hiệu mà theo WSJ sẽ giúp nhu cầu đối với BĐS tăng lên, các chủ đầu tư BĐS sẽ giảm được hàng tồn kho và giúp hệ thống ngân hàng giảm nợ xấu. WSJ cũng nhìn nhận, trong năm 2014, lạm phát của Việt Nam giảm trong khi tăng trưởng tăng cao.
Hãng tin Reuters trước đó có bài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể giảm mạnh vào cuối năm nay xuống dưới 3% so với tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng cũng sẽ mạnh hơn và có thể vượt con số 12% sau nhiều tháng ì ạch.
"Chính phủ Việt Nam đã "chiến đấu" mạnh mẽ với các khoản vay không hiệu quả, vốn đã làm ảnh hưởng đến thị trường BĐS và dập tắt nỗ lực để thúc đẩy các DN tư nhân, kích thích tăng trưởng tín dụng", tờ báo này nhận định.
Bloomberg trong khi đó đánh giá cao Thông tư 36 của NHNN vừa ban hành và sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 2/2015. Theo đó, Việt Nam nhắm tới việc hạn chế các ngân hàng sở hữu chéo và việc cho vay để đầu tư chứng khoáng nhằm bảo vệ ộn định tài chính.
Hãng Thông tấn Đức cho rằng, trong ba năm qua, Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành quả đáng chú ý. Và Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong khối ASEAN với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA vẫn tiếp tục tăng đều.
Tờ Sudestasiatico của Ý đánh giá cao về tình hình kinh tế của Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do nợ xấu và nhiều vấn đề lớn khác nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng cao. Pravda của Nga thậm chí còn đánh giá Việt Nam sẽ là một con rồng châu Á ở tương lai gần và hy vọng Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam như một cầu nối sang phương Đông.
- therealrtz ©VietSN