Hiện nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, trong đó vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/12/2014, Hoa Kỳ có 712 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 10,92 tỷ USD; xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô vốn bình quân một dự án của Hoa Kỳ khoảng 15,35 triệu USD; cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,3 triệu USD/dự án.
Tính riêng 11 tháng năm 2014, Hoa Kỳ đã đầu tư 29 dự án mới và 9 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 248 triệu USD; xếp thứ 11/60 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014.
Hiện nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam, trong đó vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn, resort) và ăn uống. Hoa Kỳ có 16 dự án trong lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư là 4,67 tỷ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 315 dự án và 2,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 20% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 13 dự án và 2,05 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 18% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Còn lại là các lĩnh vực khác chiếm 19,2%.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam
Đồng thời, thống kê cho thấy, khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đa số lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 578 dự án và 8,13 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 81% tổng số dự án và 74% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam).
Hình thức liên doanh có 109 dự án với 2,5 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 15% tổng số dự án và 23% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đến nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có mặt tại 41/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng.
Đứng đầu trong thu hút FDI từ Hoa Kỳ là Bà Rịa – Vũng Tàu với 18 dự án và 5,3 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 48% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là Hải Phòng với 13 dự án và 1,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11,2% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam). Đứng thứ ba là Bình Dương với 96 dự án và 779 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7,1% tổng vốn đăng ký của Hoa Kỳ tại Việt Nam).
Xét về số lượng dự án, thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Hoa Kỳ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư; chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam).
Quy mô trung bình dự án FDI Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD; nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Hoa Kỳ trên cả nước.
Nguyệt Quế
Theo Infonet