Nhân lễ kỷ niệm 77 năm sự kiện quân đội Nhật Bản tàn sát hàng loạt người dân Trung Quốc tại Nam Kinh, hôm nay 13/12/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể chối cãi trách nhiệm về về vụ thảm sát này.
Vụ thảm sát Nam Kinh là vấn đề nhạy cảm : Bắc Kinh tố cáo Tokyo chối bỏ tội ác trong thời kỳ chiếm đóng Trung Quốc - Reuters
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức ngày cả nước tưởng nhớ vụ thảm sát hàng trăm nghìn người dân Trung Quốc do quân đội Nhật Hoàng tiến hành từ khi tiến vào chiếm thành phố Nam Kinh ngày 13/12/1937.
Tại Nam Kinh, hơn 10.000 người đã tham dự một cuộc mít tinh lớn, với sự có mặt của rất đông báo chí chính thống và một số người nay đã ngoài 90 tuổi, những nhân chứng sống sót sau các cuộc tàn sát. Buổi lễ kỷ niệm được truyền hình trực tiếp. Tại cuộc mít tinh, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố : « Lịch sử, 300.000 linh hồn của những người đã khuất, 1,3 tỷ người Trung Quốc và những người yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới sẽ không cho phép bất kỳ ai cố tình chối bỏ cuộc thảm sát » Nam Kinh.
Giữa lúc quan hệ Trung –Nhật đang căng thẳng do các tranh chấp lãnh thổ biển đảo và những thù hận trong quá khứ, hồi tháng Hai năm nay, Quốc hội Trung Quốc đã lấy ngày 13/12/1937 bắt đầu diễn ra cuộc thảm sát Nam Kinh, và ngày 03/09/1945 khi quân Nhật rút khỏi Trung Quốc, làm những ngày kỷ niệm chính thức của đất nước hàng năm.
Vụ thảm sát Nam Kinh là một vấn đề lịch sử rất nhạy cảm trong quan hệ Trung - Nhật. Bắc Kinh luôn tố cáo Tokyo muốn chối bỏ các tội ác kinh hoàng đã gây ra cho Trung Quốc trong thời kỳ chiếm đóng nước này.
Ngược dòng lịch sử, vào thập niên 1930, quân đội Nhật hoàng tiến hành xâm lược Trung Quốc. Hai nước đã tiến hành cuộc chiến tranh trên quy mô lớn kể từ năm 1937 đến năm 1945. Cuộc chiến này đã chấm dứt cùng lúc quân Nhật bại trận trong Thế chiến thứ 2. Đến thời điểm này, nước Trung Quốc Cộng sản vẫn chưa ra đời.
Giờ đây, Bắc Kinh đưa ra con số 300.000 người trong vòng 6 tuần lễ khi quân Nhật tiến vào chiếm thành phố Nam Kinh bắt đầu từ ngày 13/12/2014. Tuy con số nạn nhân của các nhà sử học nước ngoài đưa ra có thấp hơn nhưng tất cả đều khẳng định vụ thảm sát Nam Kinh là có thực.
Tại Nhật Bản, vẫn còn nhiều tiếng nói muốn xem xét lại vụ việc lịch sử này. Hồi tháng Hai năm nay một lãnh đạo của kênh truyền hình lớn NHK tại Nhật Bản, đã phủ nhận không có vụ thảm sát Nam Kinh.
Nhật Bản và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972. Nhưng mối quan hệ này vẫn thường xuyên bị khuấy lên căng thẳng bởi những tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông hoặc nhưng động thái của một số chính khách Nhật có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa không muốn Nhật Bản bị hạ thấp uy thế vì quá khứ quân phiệt trong thời kỳ Thế chiến thứ hai.
Anh Vũ/rfi