Mỗi sáng má thường mua bánh hỏi về cho mấy anh em tôi ăn và dặn người bán 'thoa nhiều dầu' cho có thêm dinh dưỡng. Nhà nghèo, ăn sáng ít tiền nhất là bánh hỏi, lại được cái nhìn anh em xúm xít.
Ăn bánh hỏi đã quen nên ít người thắc mắc về tên bánh. Nhưng hôm nào bỗng có người hỏi: bánh hỏi có nghĩa là bánh gì? không ít người ngớ ra, không thể trả lời được.
Hỏi đây không phải là hỏi đáp mà là tên loại bánh thường dùng cho lễ ăn hỏi trong phong tục cưới xin. Nói văn vẻ là lễ đính hôn. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho biết: “Từ thuở nhỏ, tôi thường thấy người ta dùng bánh hỏi cho lễ đính hôn. Ở Bình Định, trong đám hỏi, nhà trai thường đi cho nhà gái xiển (mâm quả đan bằng tre) bánh hỏi. Sau lễ hỏi, nhà gái gói phần bánh hỏi thịt heo quay gởi biếu cho họ hàng gần xa, báo tin con gái đã đính hôn.
Không chỉ là món ăn theo nghi thức sang trọng ở trên, bánh hỏi còn là món quà sáng thông thường ở các vùng quê Bình Định. Nông dân đi làm đồng thường khỏi nấu cơm sáng. Từ sáng sớm, các gánh hàng bánh hỏi len lỏi các thôn xóm. Một đầu gánh thường là bánh hỏi xếp lớp trắng tinh, đầu bên kia có thể là lá chuối, chai dầu (dầu phộng thứ thiệt), một chai nước mắm ngon nguyên chất và rổ hẹ.
Họ gánh đi thường ít khi rao nhưng nhìn thấy, ai cũng biết là bánh hỏi. Gọi vào, các bà nhanh tay gỡ bánh hỏi ra xếp thành lớp trên lá chuối hoặc trên đĩa. Họ dùng cành chuối có đánh tơi một đầu rồi nhúng dầu đưa vào rổ hẹ đã xắt sẵn, thoa lên lớp bánh hỏi, lớp này đến lớp khác. Nông dân lấy nước mắm mặn có tỏi ớt đâm nhuyễn để chấm bánh hỏi ăn ngay.
Muốn sang hơn, người ta ăn bánh hỏi với thịt heo quay, thịt heo luộc, lòng heo luộc, thịt heo hay bò nướng đều được. Ăn thứ này, ăn nhiều có thể bỏ luôn bữa trưa vì nạp quá nhiều năng lượng và chất bổ dưỡng.
Bánh hỏi thịt nướng
Vì thức ăn khô, nặng bụng nên muốn dễ tiêu, sau khi ăn có thể uống một bát chè xanh hoặc chè Huế. Đó là thứ chè lá để tươi hoặc khô, vò lá chè bỏ vào ấm đất, chế nước giếng nấu sôi lên rồi rót ra bát. Nước chè có màu đỏ sẫm, nổi bọt li ti trên miệng bát. Vừa thổi, vừa uống, uống một hơi hết bát.
Bánh hỏi vào Bình Thuận có cách ăn khác. Đó là bánh hỏi dầm với nước cá. Người ta nấu cá ngừ, cá nục thành nước, bỏ vào kho luôn với vài trái ớt tươi. Bánh hỏi, thức ăn khô trở thành mềm ngọt khi nhúng vào nước cá cay cay vừa ăn vừa hít hà. Rất thú.
Ca dao Bình Thuận không nói về bánh hỏi nước cá vì cho đó là chuyện dân dã. Còn có thứ sang hơn là bánh hỏi lòng heo: “Ai về Bình Thuận em theo/Phú Long bánh hỏi lòng heo nhớ đời”.
Bánh hỏi Sài Gòn trắng trơn, nhưng sợi bánh nhão, sít vào nhau và không ngon. Theo nhà văn Lê Hoài Lương, bánh hỏi Bình Định ngon là do kỹ thuật làm bột. Bột được ngâm đến 8 giờ, có một ít nước tro. Sau đó, trước khi ép bột lại trụng sơ qua nước nóng. Vì thế sợi bánh hỏi ra khỏi dàn ép trong và dai. Sợi bánh không dính vào nhau ăn rất ngon. Chất lượng khác nhau ngoài bột, còn do lá hẹ. Hẹ ở Bình Định ri rí nhưng rất thơm. Như câu ca dao: “Mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ/Em thương người có mẹ không cha/Bánh xèo bánh đúc hành hoa/Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn”.
Chúng tôi vô Sài Gòn vẫn nhớ má tôi hồi còn sống. Mỗi sáng bà thường mua bánh hỏi về cho mấy anh em ăn. Bà dặn người bán “thoa nhiều dầu”. Đơn giản vì lúc ấy nhà nghèo, ăn sáng ít tiền nhất là bánh hỏi, lại được cái nhìn anh em xúm xít. Thêm chút dầu là thêm chút dinh dưỡng.
Nhớ má, mỗi khi cúng giỗ ở Sài Gòn đều có bánh hỏi. Về Quy Nhơn chạp mả hàng năm, vào lại bao giờ cũng đem theo vài ký bánh hỏi Bình Định về làm quà.
Theo báo Tiếp thị SG