Tổng thống Putin đang chịu áp lực ngày càng lớn khi Nga bị cảnh báo sẽ xảy ra phá sản hàng loạt nếu không sớm giảm lãi suất.
Anatoly Aksakov - Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Nga và Phó chủ tịch Ủy ban thị trường tài chính quốc hội cho biết các công ty nước này đang cạn tiền. "Các ngân hàng cho rằng nếu cứ duy trì tình hình hiện nay, làn sóng phá sản sẽ xảy ra, không chỉ với các tổ chức tín dụng, mà còn với các doanh nghiệp", Aksakov cho biết trong một bức thư gửi Ngân hàng trung ương Nga.
Ông thúc giục ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất tháng này xuống 15%, từ 17% hiện tại, sau đó dần xuống 10,5% - mốc trước khi cuộc khủng hoảng hiện tại diễn ra. Lãi suất cơ bản 17% đồng nghĩa với việc nhiều công ty đang phải đi vay với mức lãi 30%. Lãi suất thấp sẽ cho phép các ngân hàng cho vay nhiều cá nhân và doanh nghiệp hơn.
Các công ty Nga có thể vỡ nợ hàng loạt trong năm nay. Ảnh: Bloomberg
CNN nhận định những bình luận này cho thấy tài chính Nga đang ngày một khủng hoảng. Cuối tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch đã hạ xếp hạng nước này xuống gần mức "rác", do triển vọng kinh tế u ám.
Ảnh hưởng các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga quanh vấn đề Ukraine cũng châm ngòi cho cơn khát tiền mặt tại rất nhiều công ty, do không thể tiếp cận thị trường vốn nước ngoài.
Hãng hàng không địa phương - Ak Bars Aero hôm qua đã tuyên bố ngừng hoạt động cho đến tháng 3. Đây là cái tên mới nhất phải ngừng bay do rouble mất giá và khó khăn tài chính. Dầu thô lao dốc đã khiến đồng rouble suy yếu. Lạm phát Nga cũng lên tới 2 chữ số trong năm 2014, khiến ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.
Hôm qua, rouble Nga lại tiếp tục mất 1,3% so với USD khi dầu thô lập đáy 6 năm mới. Tiền tệ này đã mất giá 40% so với USD năm ngoái.
Chính phủ Nga đã cố gắng hỗ trợ hệ thống ngân hàng, như chi hàng tỷ USD bơm vốn cho các nhà băng. Trong đó có VTB, Gazprombank và ngân hàng phải xin cứu trợ tháng trước - Trust Bank.
BNP Paribas hôm qua nhận xét các nhà băng Nga có thể cần hỗ trợ nhiều hơn trong năm nay. "Các ngân hàng sẽ cần tới 45 tỷ USD năm 2015 để hỗ trợ cho vay và hấp thụ nợ xấu, và thêm 11,5 tỷ USD nữa để bù đắp khoản lỗ do tỷ giá", nhà băng này cho biết.
Ngân hàng trung ương Nga cũng đang dần cạn ngoại tệ để bình ổn đồng rouble và ngăn khủng hoảng kinh tế. Cơ quan này đã chi hơn 120 tỷ USD ngoại tệ năm ngoái. Hiện dự trữ quốc tế của Nga còn tổng cộng 388,5 tỷ USD, đã bao gồm vàng và các tài sản nước ngoài thanh khoản cao.
Hà Thu, Vnexpress