Sau khi xây đắp các đảo nhân tạo trên biển Đông, Trung Quốc từng bước triển khai xây dựng các kiểu trên các đảo này. Từ xây dựng hải đăng đến đường băng... Sắp tới Trung Quốc dự tính triển khai các nhà máy phát điện từ sóng biển. Chính quyền Tập Cận Bình dần dần thôn tính biển Đông củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.
Nhà máy sản xuất điện từ sóng biển do Trung Quốc xây ở Biển Đông. Ảnh: SCPM
Theo các nhà nghiên cứu liên quan tới dự án, mục đích của các nhà máy sản xuất điện từ sóng biển là giảm tình trạng thiếu điện để phục vụ các radar.
Một trong những nhà máy sản xuất điện từ sóng biển được thử nhiệm tại quần đảo Vạn Sơn, gần thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào đầu tháng 11, theo các nhà nghiên cứu tại Viện chuyển đổi năng lượng Quảng Châu. Diện tích của nó rộng bằng một nửa sân bóng đá.
Theo South China Morning Post, đây là một trong những nhà máy phát điện bằng sóng biển có công suất lớn nhất trên thế giới, với khả năng cung cấp hơn 200 KW. Các nhà máy của Trung Quốc có thể hoạt động ở mọi điều kiện khắc nghiệt. Khi bão xảy ra, chúng sẽ tự động chìm một phần để tránh thiệt hại do gió mạnh.
“Các radar quân sự luôn cần được cung cấp điện vào mọi lúc. Chuyển nhiên liệu hóa thạch tới các đảo xa xôi sẽ tốn kém tiền bạc và thời gian. Quá trình vận chuyển cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu”, một nhà nghiên cứu giấu tên tham gia dự án cho hay.
Theo ông này, để phạm vi hoạt động của radar rộng hơn, các nhà máy cần có công suất lớn. Khi hoạt động hết công suất để kết nối với máy bay chiến đấu ở khu vực xa xôi hoặc đối tượng không xác định, một hệ thống cảnh báo sớm cần hàng nghìn KW – tương đương nhu cầu sử dụng điện trung bình của 1.000 hộ gia đình tại Mỹ.
Li Ming, một giáo sư về công nghệ radar tại Đại học Xidian, cho hay nhu cầu về nguồn năng lượng khổng lồ cho thấy các thiết bị radar quân sự không thể hoạt động toàn thời gian chỉ bằng nguồn cung cấp hiện tại.
Do đó, trạm phát điện từ sóng biển sẽ là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, ông này cũng nghi ngờ liệu trạm điện nổi có đủ công suất để đáp ứng yêu cầu đó hay không bởi một radar cảnh báo cần hơn 200 KW để hoạt động.
Theo ông Li, một vấn đề khác là chi phí. Một nhà máy cần nhiều thiết bị phát điện để tạo thành mạng lưới sản xuất điện công suất tối đa. Đến nay, giới chức mới chi gần 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,13 triệu USD) cho quá trình thiết kế và xây dựng trạm ở Vạn Sơn. Số tiền này chưa đủ.
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các công trình quân sự và dân sự tại Biển Đông nhằm mở rộng chuỗi cung ứng năng lượng của nước này, cũng như củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Therealtz © VietBF