SÀI GÒN - Ðến Sài Gòn trong những ngày này, trông thấy các ông bà cụ lang thang trên đường phố ngửa tay xin tiền hoặc nài nỉ khách vãng lai mua vài tờ vé số, người ta sẽ không còn ngạc nhiên.
Có thể đó là một trong số những người già bỏ nhà “đi bụi” để tránh sự chì chiết, trách móc, ngược đãi của con cháu.
Nỗi u sầu lộ trên nét mặt của bà cụ. (Hình: VnExpress)
Báo mạng VnExpress nói về tình cảnh của một bà cụ cư dân Bình Dương ngoài 80 tuổi như sau: “Bà Hai Thơm có 4 người con đã có vợ chồng nên bận bịu cho gia đình riêng. Bà sống với người con trai út cho đến ngày cậu đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Không ai hiểu được nỗi hụt hẫng của người mẹ già cô lẻ. Bà thức trắng suốt hai tuần lễ, không buồn ăn uống và bỏ nhà đi mất biệt mà con cái không hay.” Hiện nay, theo VnExpress, người ta cũng chưa tìm được tông tích của bà cụ.
Một vài người khác còn sức khỏe thì lăn vào việc kiếm sống, như trường hợp của bà Trần Thị Thấm 61 tuổi, cư dân Hải Phòng. Bà một mình vào Nam sống lang thang đây đó lượm ve chai, bán vé số và qua đêm dưới gầm cầu. Chồng chết sớm, bốn người con lớn không trọn lòng báo hiếu, bà Thấm đành sống nhờ vào lòng từ thiện của người dưng nước lã. Bà tâm sự: “Nhiều đêm đang ngủ, giật mình tỉnh giấc ngồi khóc cho tuổi già cô độc. Tôi nhớ con cháu lắm nhưng chúng nó chẳng thương, lo cho mình nên đành ra đi để không làm gánh nặng cho chúng. Thôi thì ông trời cho sống ngày nào, biết ngày nấy.”
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên viên nghiên cứu tâm lý ở Sài Gòn, người già bỏ nhà “đi bụi” còn có một nguyên nhân đáng ngại: trầm cảm. Tâm lý mặc cảm tự ti về thân phận mình, sợ làm gánh nặng cho con cháu khiến các cụ bỏ nhà “đi bụi” như là một hành động “tự hủy hoại bản thân” vì không còn thiết sống. Bà Mỹ Linh cho rằng nếu không được người thân chú ý “săn sóc đặc biệt” bằng cách chiều chuộng, lo lắng cho từng miếng ăn, giấc ngủ, các ông bà cụ rơi vào trạng thái này sẽ bị suy sụp tinh thần, rối loạn nhận thức, mất dần trí nhớ và không kiểm soát được hành vi.
Cũng theo bà Mỹ Linh, những biểu hiện trầm cảm có thể được thấy ở các ông bà cụ là tình trạng ăn uống thất thường, dễ bị táo bón; tăng hoặc giảm cân; mệt mỏi, uể oải; ngủ li bì hoặc mất ngủ thường xuyên; nhức đầu mà uống thuốc vẫn không hết. Bà Mỹ Linh khuyên người trẻ nên giúp các cụ ăn ngủ đúng giờ, tập thể dục mỗi ngày song song với việc áp dụng các biện pháp trị liệu như xoa bóp, nâng đỡ tinh thần v.v...
Theo Nguoi Viet Online