Phải tận mắt chứng kiến, câu chuyện mà giống như “đôi đũa thần” T. kể cho chúng tôi nghe về “công nghệ làm rượu không khói: nước lã + cồn”, chúng tôi mới xác nhận là có thật.
Chỉ nhờ buôn rượu giả mà T. phất lên. Hỏi bí quyết, T. cười khành khạch: “Cần cù một tý, tinh nhanh một tý, gặp thời một tý… Chưa đủ, phải biết nguồn cung trước cầu!”. Hắn đã phất lên ầm ầm sau vài năm kiên trì làm ông chủ quán rượu. Nhưng hắn thẽ thọt như buôn bạc giả, giọng chưa bao giờ chân thật hơn: “Nhưng mà chúng mày đừng có chơi rượu quê, nhất là khi chưa biết nguồn gốc. Rước bệnh vào người cả đấy…”.
Công nghệ: Cồn Trung Quốc + nước lã
Ngỡ gã nói đùa, nhưng không phải. Lần lữa hò hẹn mấy bận, cuối cùng T, gã bạn cùng thuở Đại học cũng bố trí cho tôi đi cùng một chuyến “về nguồn” lấy hàng của gã. Hàng ở đây, là mối lấy cất rượu phục vụ cho quán nhậu “nhỏ nhỏ be bé” với các ông khách là người lao động thu nhập thấp, dân sinh viên tỉnh lẻ và… khách qua đường.
Tốt nghiệp ĐH, T. về quê “xoay” bố mẹ, anh chị trong nhà được gần chục triệu ôm mộng làm ông chủ. Và, cái quán nhậu của gã ra đời. Bây giờ, có lẽ gã đã thành “con ma” trong việc “tuyển rượu”.
Vòng vèo hơn tiếng đồng hồ thì thoát khỏi Hà Nội đến làng D (thủ phủ rượu cồn + nước lã) trong câu chuyện của T. hiện ra, bắt đầu bằng những phuy thùng dung tích chừng gần một khối, xếp dựng đứng hai bên đường chật chội.
Bình chứa rượu bẩn thỉu
Làng D vốn dĩ là một làng quê hiền lành, với nghề nấu rượu gạo, rượu sắn. Trước, nó vốn là làng chuyên cung ứng đầu vào cho làng nghề nấu rượu có tiếng của vùng Kinh Bắc, sau này tách tỉnh, trở thành người “hàng xóm” bên kia con sông Đuống. Cơ chế thị trường mạnh ai nấy sống, một nhóm nhỏ người dân làng D chủ động tách ra làm ăn riêng, và cạnh tranh với chính ông hàng xóm của mình để “cướp nghề” chưng cất…
Lợi nhuận - đó là lý do khiến những lò nấu rượu gạo, rượu truyền thống của nhiều làng quê Việt Nam đã thay đổi cách làm. Và, phải tận mắt chứng kiến, câu chuyện mà giống như “đôi đũa thần” T. kể cho chúng tôi nghe về “công nghệ làm rượu không khói: nước lã + cồn”, chúng tôi mới xác nhận là có thật.
“Rượu xăm xe”
Những phuy đựng rượu ủ - là những téc nhựa chừng hơn 100 lít phải xo ro đứng chen nhau ở tất cả những “xó xỉnh” có thể đứng được.
Một người trung tuổi đang mải miết “đóng rượu” từ những phuy đựng này sang những chiếc “túi” da khác, hệt như những chiếc túi da mà dân hoang mạc đựng nước uống làm từ dạ dày con lạc đà.
Những chiếc “túi” này, nguyên là những chiếc săm ô tô, được chế lại bằng cách xẻ đôi rồi gập lại, sau đó “măng – xông, vá chín”, chỉ để chừa một cái lỗ nhỏ để nhét vừa cái “phễu” to như một chiếc xô nhựa để rót rượu vào.
Một chiếc “ruột ô tô” như thế, chứa được 10 – 11 lần đong. Mỗi một lần múc, dụng cụ đong được gò bằng nhôm có dung tích khoảng chục lít. Mau mắn và nhịp nhàng, bà chủ “lò” rượu vục dụng cụ này vào phuy rượu, và ước lượng gần đầy chứ không “căng dây kẻ chỉ” theo kiểu “dí tay bắm đốt” của những bà hàng rượu nhỏ lẻ ở quê.
Với số lượng như trên, mỗi chiếc ruột xăm xe chứa được hơn chục lần vục, tương đương hơn 100 lít. Tất cả công đoạn “đong rượu” đều diễn ra ngay bên lề đường quê, trên bề mặt nham nhở sỏi đá, rác rưởi và bụi bẩn.
Trên mặt đường, có cả chục những “ruột ô tô” đã đong đầy, được “túm” chặt bằng một đoạn gỗ chèn rồi mới cột bằng dây chun. Nhiều bịch rượu, vì không có nút gỗ, bà chủ rượu lấy tạm… lõi ngô để chẹt miệng túi.
Cả chục “bịch rượu” đã được hoàn tất nằm liền kê nhau, hệt như một đàn lợn… đen ăn no căng bụng, đang nằm ngủ.
Theo lời bà chủ khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Một ngày nấu được trên bốn chục lít rượu!”. Thế nhưng, với hơn chục bịch rượu đã “đóng gói” chờ “xuất ra Thủ đô, đã là cả ngàn lít. Hơn nữa, bên kia đường là “hầm rượu” chứa tới cả trăm thùng phuy nhựa, mỗi phuy đựng cả nghìn lít.
Làm một phép tính đơn giản, để sản xuất ra ngần ấy lít rượu đóng chật kín trong các thùng và “trung chuyển” sang các ruột xăm ô tô, xưởng sản xuất này phải theo quy mô “công nghiệp” với hàng ngàn nhân công, nếu như đó là xưởng… nấu rượu chưng cất theo kiểu truyền thống mà bà chủ khẳng định.
Số rượu đã đóng trong các ruột xăm ô tô này, sẽ được chuyển ra Hà Nội bằng ô tô. Địa chỉ là các… quán nhậu, các hàng quán ven các trường đại học.
Cân sắn khô bên vệ đường để nấu rượu
Cũng theo lời bà chủ này, một lít rượu lấy gốc tại làng là 6.000đồng/lít, tuy nhiên, đấy là giá “chào hàng” vì bà biết chúng tôi là khách lạ, đang đi tìm “nguồn hàng” để mở quán nhậu sinh viên. Vì thực tế, một lít rượu “chế” như thế, giá chỉ bằng… ½ cốc bia hơi Hà Nội!
T. nói như thanh minh: “Các ông đã rõ cả rồi chứ. Tiếng là rượu quê, rượu “nút lá chuối” thật đấy, nhưng chẳng ai dám cá đấy là rượu gì, rượu gạo, rượu ngô hay rượu sắn. Tôi đã đi “khảo” thị trường cả rồi. Ông có tin, rượu Bắc Hà thơm nghiêng núi là thế, thế mà tìm mua ở Hà Nội, giá còn rẻ hơn mua trên Lào Cai. Chả lẽ, người ta làm đường hầm để rót rượu từ Bắc Hà về Hà Nội hay sao mà không tính giá cước vào trong giá rượu. Bậy hết ông ạ”.
Như là một việc quá đỗi bình thường, T. lấy ở mối quen vài ba “xăm ô tô” đúc rượu bên trong. Người chủ hàng quen khách, hỏi thân tình: “Độ này bán chậm lắm hay sao mà chậm mấy hôm mới lên ăn hàng?”. T. phẩy tay đầy khinh bạt: “Gớm, cái thứ hàng ăn xổi này, bán được là may. Em phải “đấu” thêm rượu “thật” vào, hoặc “cách nhật” mới dám trà trộn. Trộm vía, lỡ ông khách nào xơi cái đồ của bác vào mà lăn quay ra, em bán cả quán cũng không có đường gỡ…”.
Chiếc xe lại đi ngược lại con đường vừa vào làng, hướng về quán nhậu mà T. đang làm ông chủ. Gã phấn khích nổ như bắp rang: “Biết là thất đức đấy, nhưng tôi đang cố thêm thời gian nữa, kiếm tý vốn mở hướng khác làm ăn, chứ theo mãi, chẳng biết đường nào mà lần.
Ai chẳng biết, “bệnh tật từ đường miệng” mà ra cả. Đấy là chưa nói, cái thứ “nước lã có ga” này, nó thẩm thấu vào thành ruột già ruột non, dạ dày, bao tử…, còn độc hại gấp trăm lần…”.
Gần Tết, rượu ngoại trôi nổi “đắt như tôm tươi”
Theo Vietnamnetr