BP đang gặp nhiều khó khăn về tài chính
Điện tín rò rỉ trên Wikileaks nói cả Bắc Kinh và Hà Nội đều gây áp lực với BP trước khi hãng dầu này rút khỏi dự án với Việt Nam tại Biển Đông.
Hồi tháng 3/2009, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã chính thức xác nhận rút khỏi dự án thăm dò dầu khí tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, sau một thời gian tạm hoãn.
Nay một điện tín đánh đi hôm 23/04/2008 từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở London mà Wikileaks vừa mới chuyển cho báo Anh Telegraph cho thấy trước khi đi đến quyết định này, BP đã phải cân nhắc giữa các áp lực từ cả Trung Quốc và Việt Nam và kết quả dường như nghiêng về phía Trung Quốc.
Điện tín đóng dấu bảo mật cũng cho hay tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới này đã không muốn làm to chuyện nên tự giải quyết thông qua các kênh kinh doanh chứ không tìm kiếm trợ giúp của cơ quan ngoại giao hay chính phủ Anh.
Bức điện viết: "Chính phủ Trung Quốc đã đe dọa có hành động với tài sản của BP tại Hoa lục nếu như công ty này không ngừng các dự án mới tại các khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông".
Sứ quán Mỹ tại London trích nguồn người đứng đầu bộ phận Viễn Đông của Bộ Ngoại giao Anh, Stephen Lillie, nói BP đã mua lại một số dự án ngoài khơi tại Biển Đông từ tập đoàn ARCO và bởi vì các dự án này đã đi vào hoạt động, Bắc Kinh không tỏ thái độ gì.
Thế nhưng, khi BP và Việt Nam chuẩn bị các dự án mới tại vùng biển mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, thì Trung Quốc cũng bắt đầu lên tiếng.
Mùa hè năm 2007, Bắc Kinh lần lượt gây áp lực lên các công ty Anh và nước ngoài khác với hai phương án: hoặc chấm dứt ngay hoạt động, hoặc đàm phán hoạt động tay ba giữa các công ty này, Việt Nam và Trung Quốc.
"Theo Bộ Ngoại giao Anh, Trung Quốc đã chỉ ra rất rõ ràng rằng nếu BP tiếp tục các dự án mới thì việc này sẽ ảnh hưởng xấu tới các dự án khác của BP tại Trung Quốc."
Quan ngại to lớn
Theo nội dung điện tín trên Wikileaks, Bộ Ngoại giao Anh nhận định rằng đe dọa của phía Trung Quốc thuộc loại nghiêm trọng, vì BP là một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, cũng có nghĩa bỏ nhiều tiền để làm ăn ở quốc gia này.
Về phần mình, chính phủ Việt Nam cũng nói với BP rằng các dự án trên bờ của hãng này ở Việt Nam có thể gặp khó khăn nếu BP thuận theo áp lực của Trung Quốc.
Kết quả sau đó là vào tháng 6/2007, BP đã ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".
Tháng 3/2009, BP chính thức rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3.
Hai lô này, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh cách bờ 370 km, được phát hiện từ năm 1996, nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.
Điện tín của sứ quán Mỹ tại London nói cả Trung Quốc và Anh đều không mang chuyện này ra các kênh chính thức của nhà nước, cho dù Thủ tướng Anh lúc đó, ông Gordon Brown, và Ngoại trưởng Milliband đều tới thăm Bắc Kinh hồi đầu năm 2008.
"Đại diện chính phủ Trung Quốc tại Bắc Kinh và London đã làm việc trực tiếp với BP và một công ty dầu khí khác cũng của Anh là Premier Oil."
Vào thời điểm đó, BP còn được cho là đang tìm kiếm một giải pháp kinh doanh dung hòa giữa các bên tại Biển Đông với sự tham gia của cả hai tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc và Việt Nam là CNOC và PetroVietnam.
Theo ông Stephen Lillie, "một dự thảo đang được chuyển qua hệ thống quan liêu của Trung Quốc, nhưng bị chặn lại ở Bộ Ngoại giao, vốn theo đường hướng cứng rắn".
BP tin rằng chính phủ Trung Quốc muốn tập đoàn Anh tham gia các dự án gây tranh cãi hơn là sự có mặt của một công ty Ấn Độ (lúc đó được tin đã tiến hành đàm phán ngầm với Việt Nam để thay chân BP) vì tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh vào công ty Ấn Độ sẽ bị hạn chế hơn.
Tuy nhiên công ty nhà nước Ấn Độ ONGC đã tham gia dự án khí Nam Côn Sơn với BP và tới năm 2010, với các khó khăn tài chính của BP sau sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico, Ấn Độ ngỏ ý sẽ mua lại thêm phần hùn của công ty Anh tại Việt Nam.
Nguồn: BBC