Nếu thu nhập 3 triệu đồng/tháng thì phải tích luỹ rất lâu mới mua được nhà giá thấp. Do vậy, không nhất thiết phải chọn mua và sở hữu nhà ở - ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, khuyên.
Nhà giá thấp cũng kén khách
Một độc giả nam, 36 tuổi ở Hà Nội đặt câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến trên Báo DĐDN sáng 23/3 rằng, với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng của hai vợ chồng anh, liệu có hy vọng mua một căn hộ dành cho người thu nhập thấp?
Ông Vũ Xuân Thiện nói thẳng, nhu cầu được sở hữu một căn hộ chung cư là rất chính đáng. Nhưng không nhất thiết cứ phải mua và sở hữu nhà. Ở các nước phát triển, hình thức thuê nhà ở phổ biến hơn là mua nhà để sở hữu. Nếu thay đổi thói quen để lựa chọn hình thức cư trú phù hợp với khả năng của mình thì sẽ giải quyết được phần nào khó khăn về nhà ở.
"Với mức lương như bạn và những người trong gia đình có mức thu nhập tương đương, chắc chắn việc tích luỹ sẽ phải kéo dài mới có thể đủ mua nhà thu nhập thấp theo nhu cầu", ông Thiện chia sẻ.
Nhận xét về mức giá hạch toán có thể lên đến 14 triệu đồng/m2 nhà giá thấp như một số thông tin tại Hà Nội hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam bên lề một buổi tọa đàm gần đây cho rằng, đó là mức quá cao, cao hơn cả giá nhà ở thương mại tại thị trường TP.HCM.
Theo ông, giá nhà thu nhập thấp chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m2 là phù hợp. Cho dù tính toán đến các chi phí giá đầu vào thì cũng khó có thể đội lên mức như vậy. Do đó, nếu thông tin 14 triệu/m2 là thực thì Bộ sẽ tiến hành kiểm tra, có ý kiến.
Trên thực tế, ngày 10/3 vừa qua, chủ đầu tư khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm) vừa công bố giá bán nhà thu nhập thấp ở đây dự kiến khoảng 11,64 triệu đồng/m2, thấp hơn khoảng 6 triệu đồng so với nhà ở thương mại trong cùng khu.
Cuối năm ngoái, dự án căn hộ thu nhập thấp đầu tiên được đưa ra thị trường Hà Nội tại Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) có giá 8,8 triệu đồng/m2 cũng đã bị cho là mức "quá cao" đối với người thu nhập thấp, nhất là so với mức 5-6 triệu đồng/m2 tại nhiều dự án cùng phân khúc tại TP.HCM, Đà Nẵng hiện nay.
Thiên lệch
Cơ cấu hàng hoá bất động sản thiếu cân đối, thiên lệch về các dự án sang trọng, cao cấp mà quên đi phân khúc trung bình, giá thấp dẫn đến số đông người có nhu cầu thực vẫn khó mua được nhà, mà phân khúc căn hộ trung và cao cấp đắt tiền, tập trung ở những khu vực xa trung tâm lại đang rơi vào cảnh dư cung, rất khó bán - đây chính là điểm hạn chế mà Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nêu bật khi nói về thị trường hiện nay.
Hàng triệu người dân đô thị có nhu cầu nhà ở xã hội (ảnh minh họa)
Ông Vũ Xuân Thiện cho biết, hiện cả nước còn khoảng 7 triệu người sống tại đô thị có nhu cầu thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Tổng diện tích nhà ở phải đáp ứng lên tới 150 triệu m2. Trong đó, riêng Hà Nội cần 5,5 triệu m2 (tương đương 110.000 căn hộ và 11.000 chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp).
Thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ tập trung quy định cơ cấu tỷ lệ các loại nhà ở theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê; khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng đa dạng các quy mô căn hộ nhà ở để đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng trong xã hội.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, đến 2020, tỷ lệ chung cư tại khu vực Hà Nội sẽ đạt 25-30% (hiện 17%); tại TP.HCM là 18-20% (hiện 6%) vào năm 2020; các đô thị loại I tỷ lệ nhà ở chung cư đạt 15% (hiện 4-6%).
Nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị trên cả nước sẽ tăng từ 6,5% hiện nay lên 20-25%. Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư xây dựng các căn hộ mức giá hợp lý cho các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và thấp tại khu vực đô thị trong tổng diện tích phát triển nhà ở dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt 10% và 15% vào năm 2020.
Nguồn cung dồi dào là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tin tưởng vào sự ổn định của thị trường căn hộ, giá cả ngày càng sát với khả năng chi trả của người tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Thiện cho rằng, việc đa dạng các loại hình sở hữu chung cư, nhà ở như sử dụng lâu dài và sử dụng có thời hạn (có thể 99, 70, 50 năm) sẽ tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn theo khả năng tài chính của mình.
"Nếu nhà có sở hữu lâu dài thì chắc chắn giá sẽ cao và nhà sở hữu có thời hạn thì giá sẽ thấp hơn tuỳ thuộc vào thời hạn được sử dụng. Theo tôi, nên đa dạng hình thức sở hữu chung cư vì nếu tách giá trị đất ra với thời gian giới hạn thì chắc chắn giá nhà chung cư sẽ được giảm đáng kể theo nhu cầu sử dụng của người dân" - ông Thiện nói.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp được thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nguồn vốn thực hiện do chủ đầu tư huy động hoặc được vay từ các nguồn tín dụng ưu đãi, được bù lãi suất theo quy định; chủ đầu tư được hưởng ưu đãi, như miễn nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... ; giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp do chủ đầu tư dự án xây dựng theo nguyên tắc tính đủ chi phí đầu tư và không được tính các ưu đãi của Nhà nước; lợi nhuận được tính không quá 10% chi phí.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm thẩm định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp trên địa bàn. Do vậy, giá bán nhà ở thu nhập thấp không chỉ do nhà đầu tư quy định mà còn phải được xem xét đúng theo giá quy định.
Tính đến hết năm 2010 đã có 37 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công với tổng diện tích sàn 750.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Hiện đã có 1.653 căn hộ hoàn thành phần xây dựng, đã bán được 728 căn hộ, số còn lại đang thực hiện xem xét các đối tượng để triển khai việc bán, cho thuê theo quy định.
Nguồn : Diễn đàn kinh tế Việt Nam