Người nghèo vốn đã gặp không ít khó khăn trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Vào thời gian này, khi giá cả thị trường tăng mạnh thì cuộc sống của họ lại phải đối mặt với sự thay đổi ngay trong từng bữa ăn.
Nằm trong diện chính sách được hưởng trợ cấp chất độc da cam 250.000/tháng/người, 3 thành viên trong gia đình chị Đàm Thị Sâm thôn Lưu Xá - Quất Động - Thường Tín - Hà Nội đang tính toán cách chi tiêu sao cho đủ với số tiền 750.000 trợ cấp hàng tháng từ nhà nước.
Những ngày này, khi giá điện, giá ga cùng các mặt hàng thực phẩm lần lượt tăng thì cuộc sống gia đình chị Sâm bị đảo lộn hoàn toàn. Với những người khuyết tật - người nghèo như chị lo tiền chi tiêu ăn uống đã là khó khăn, ấy vậy khi "mùa" bão giá về thì mọi sinh hoạt hàng ngày buộc phải thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Bữa cơm đạm bạc trước những ngày bão giá của nhà chị Sâm
Tính toán, căn me từng khoản trong 750.000 nghìn đồng. Tiền điện, tiền ga, dầu ăn, mắm muối đã chiếm quá nửa chi phí sinh hoạt. Số tiền còn lại chị dành dụm để mua bán thực phẩm hàng ngày. “Vài tháng trước, với số tiền trợ cấp này 1 tuần cũng có đôi bữa thịt, nhưng nay thì ăn một bữa thịt thì phải ăn cơm rau vài ngày sau đó. Cả tháng nay chúng tôi chưa mua thịt bữa nào”, chị tâm sự.
"Cả tháng nay chúng tôi chưa mua bữa thịt nào”, chị Sâm tâm sự
Tháng nọ gối nợ tiền sinh hoạt tháng kia, tiết kiệm mà vẫn không đủ chi tiêu. “Hết dầu ăn, tôi phải đi mua chịu chờ đến tháng lương thì trả sau, cũng may vẫn có chỗ bán”. Bữa cơm hàng ngày vắng dần món thịt, cá thay vào đó là đậu phụ, rau, và có khi là nước mắm.
Mua mớ rau muống 5.000 nghìn đồng cũng phải chia ra ăn trong 2 bữa. Thi thoảng lại đổi bữa nấu vài củ khoai tây cho dễ ăn. Mua được chiếc bếp ga với gia đình chị Sâm không phải là điều dễ dàng. Nhưng khi giá ga tăng tới 340.000 nghìn đồng thì họ lại có sự thay đổi: “Cố dành dụm mãi mới mua được bếp ga đun cho sạch sẽ, nhưng giờ lại phải quay sang lọ mọ với bếp rơm thôi”.
Cũng như gia đình chị Sâm, cô Bình một trong những hộ nghèo của thôn Lưu Xá. Căn nhà đơn sơ được dựng tạm ở khu đất cuối làng, nhà có 2 mẹ con, công việc chính của cô là nghề dọn rác. Mỗi tháng thu nhập được khoảng 600.000 nghìn đồng và cấy 1 sào lúa. Trước kia, với số tiền này mẹ con cô cũng tằn tiện đủ sống qua ngày, nhưng với cái kiểu tăng giá như hiện nay thì cuộc sống của cô gặp rất nhiều khó khăn.
Vài tháng trước, bé An còn đôi khi có hộp sữa đổi vị, nhưng bây giờ, đậu phụ cũng là món khiến cậu hài lòng
Vài tháng trước, số tiền kiếm được từ việc đổ rác thuê cô cũng thỉnh thoảng mua được cho bé An con cô hộp sữa tươi để uống, nhưng nay sữa với cô là món hàng xa xỉ mà cô không dám sờ tay tới.
Mọi sinh hoạt trong gia đình cô Bình thay đổi khá nhiều từ khi các mặt hàng đồng loạt tăng giá. Cô chia sẻ: “Bữa cơm mua được vài bánh đậu phụ về rán đã là khá rồi nói chi đến mua thịt, hàng trăm nghìn cân thịt thì tiền đâu mà mua”.
Trước kia do đi dọn, đổ rác cả ngày không có thời gian chăm sóc bữa trưa cho con nên cô đã gửi bé An ăn trưa tại trường, nhưng do tiền ăn trưa của con mình ở trường tăng giá nên cô quyết định tranh thủ buổi trưa đón con về nhà ăn cơm để giảm chi phí sinh hoạt. Không chỉ có thế mà đồ dùng sách vở, bút mực cũng tăng cao khiến cô “mua quyển sách cho con cũng phải tính toán huống chi là tiền mua đồng quà, tấm bánh cho con”.
Bé An - con cô Bình ngon miệng với đĩa đậu rán
Những khó khăn trong cơn bão giá mang đến không chỉ với gia đình chị Sâm, cô Bình mà ngay cả đến những người là công chức. Là giáo viên mầm non tại trường Mầm non xã Quất Động - Thường Tín - Hà Nội, với mức lương 1,5 triệu/ tháng như hiện nay thì việc đi chợ mua thức ăn hàng ngày là việc không phải dễ. “Ra đến chợ mua cái gì cũng cố mặc cả để giảm thấp chi tiêu, nếu mua thịt thì lại tốn tiền, ăn rau nhiều thì lại sợ con thiếu chất”.
Bão giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của từng gia đình, đặc biệt là những người nghèo. Chồng chất những nỗi lo về cơm gạo, về sự tăng cao của các mặt hàng thực phẩm, khi chia sẻ với tôi chị Sâm cho hay: “Nếu giá cả ngày càng tăng nữa thì chị em tôi không biết sẽ sống sao đây...”. Khổ sở vì giá cả tăng, nỗi lo lớn nhất của cô Bình chính là việc phải cho con nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.
Thep Tạ Thùy (VTC News)