Nhiều thập kỷ nay, tàu sân bay được xem là biểu tượng hàng đầu cho sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh công nghệ của một quốc gia với khả năng tấn công kẻ thù ở phạm vi cả ngàn dặm mà vẫn đủ sức gây ra những thiệt hại nặng nề.
Theo một báo cáo gần đây liên quan đến kế hoạch bán tàu sân bay HMS Ark Royal của Hoàng gia Anh từng phục vụ trong chiến tranh thế giới II, các tàu sân bay không chỉ có giá hàng tỷ USD, mà sau khi được triển khai, chúng còn cần đến hàng tỷ USD khác để bảo trì và nâng cấp trong suốt thời gian hoạt động.
Điều này đang gây ra một thách thức lớn đối với các quốc gia châu Âu sở hữu tàu sân bay bởi hiện nay họ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài. Hầu hết các chính phủ châu Âu phải đưa ra các chính sách thắt chặt các khoản chi tiêu của quốc gia trong đó việc cắt giảm ngân sách dành cho việc duy trì hoạt động của các tàu sân bay được cho là một ý hay nhằm để thực hiện chiến lược thắt lưng buộc bụng có hiệu quả.
Điển hình là, trong năm 2010, Chính phủ Anh quyết định cắt giảm chi tiêu quân sự 8% dẫn đến ngân sách để duy trì hoạt động các tàu sân bay của nước này cũng trở nên rất eo hẹp.
Tuy nhiên, điều này lại tạo ra cơ hội cho Trung Quốc khi nước này có truyền thống thu mua các tàu sân bay cũ của nước ngoài cho mục đích nghiên cứu nhưng sau đó lại biến chúng trở thành các công viên giải trí, bảo tàng, thậm chí, thành nhà hàng nổi kiêm sòng bạc.
Hiện tàu sân bay HMS Ark Royal của Hoàng gia Anh đang ở trong tầm ngắm của Trung Quốc.
Năm 1985, Trung Quốc mua tàu sân bay HMAS Melbourne của Australia từng phục vụ trong thế chiến thứ II với giá bèo bọt để nghiên cứu thiết kế của nó. Tuy nhiên, sau đó HMAS Melbourne lại được Trung Quốc cải tạo thành một bảo tàng.
Tiếp tục vào những năm 1990, người Trung Quốc mua thêm ba tàu sân bay thời Liên Xô cũ từ Nga và Ukraine bao gồm các tàu sân bay Kiev, Minsk và Varyag. Sau đó, các tàu của Kiev và Minsk biến thành các công viên giải trí. Còn Varyag cũng suýt nữa được trưng dụng làm nhà hàng nổi kiêm sòng bạc.
Và mới đây, trên các phương tiên thông tin đại chúng lại rộ lên tin đồn một doanh nhân người Trung Quốc mặc dù đang ở tù vẫn lên kế hoạch mua lại tàu sân bay HMS Ark Royal của Hoàng gia Anh với mục đích biến nó thành một sòng bạc.
Việc các cá nhân Trung Quốc muốn mua lại các tàu sân bay cũ của nước ngoài không phải là chuyện mới thấy ở nước này bởi trước đó, tàu sân bay Varyag của Ukraine cũng từng được mua bởi một công ty du lịch tư nhân Trung Quốc. Điều đáng nói là, các công ty tư nhân này lại có quan hệ mật thiết với quân dội Trung Quốc vì vậy khi các tàu sân bay cũ được mua về, trước hết chúng sẽ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Trung Quốc thường mua các tàu sân bay cũ trên toàn thế giới theo các đề án khác nhau với giá bèo bọt trong nỗ lực nghiên cứu và phát triển tàu sân bay. Ở những thời điểm Nga, Ukraine hay Anh gặp những khó khăn về kinh tế, Trung Quốc trả hàng triệu USD cho các quốc gia này để sở hữu các tàu sân bay cũ đồng thời chi hàng tỷ USD cho mục đích nghiên cứu và phát triển các tàu sân bay. Nhờ vậy, họ có được kiến thức và kinh nghiệm của nhiều thế hệ tàu sân bay từ các quốc gia khác nhau và kể cả từ các công ty đóng tàu nước ngoài.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong việc theo đuổi giấc mơ tàu sân bay cùng chiếc lược khôn khéo như trên, Trung Quốc đạt được thành tựu đầu tiên trong công nghệ chế tạo những chiến hạm này.
Varyag, tàu sân bay chưa hoàn thiện của Liên Xô cũ được Trung Quốc thu mua vào tháng 3/1998 với giá 20 triệu USD cuối cùng cũng được nước này hoàn thiện và được đổi tên mới là Thi Lang. Trước đó, có tin đồn rằng, để đưa được Varyag về nước, Trung Quốc còn phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 360 triệu USD dưới danh nghĩa là “gói viện trợ kinh tế và du lịch” bởi phía Thổ Nhĩ Kỳ từ chối để cho Varyag đi qua eo biển Dardanelles trong hành trình từ Ukraine về Trung Quốc.
Mặc dù vẫn còn gặp phải một số vấn đề về kỹ thuật nhưng Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ sớm có những chương trình thử nghiệm Thi Lang trên biển.
Thi Lang, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Không dừng lại ở một tàu sân bay Thi Lang, Trung Quốc còn chính thức thông bào tiếp tục chế tạo thêm hai tàu sân bay khác tại xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quốc phòng.
Nước này dường như vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược mua lại các tàu sân bay cũ của nước ngoài với thương vụ mua tàu sân bay Ark Royal của hoàng gia Anh đang được đồn đoán gần đây. Trong bối cảnh quân đội Mỹ và Anh đang phải đối mặt với việc bị cắt giảm ngân sách dẫn đến hoạt động của các tàu sân bay trở nên khó khăn hơn thì Trung Quốc chắc chắn sẽ thu được một món hời lớn với chiến lược này.
Theo các nhà phân tích, mặc dù chiến thuật thu mua lại các tàu sân bay cũ của nước ngoài không thể giúp tàu sân bay Trung Quốc đạt được những thiết kế cực tối tân như các tàu sân bay của Mỹ nhưng với lượng tri thức khổng lồ mà nước này tích lũy được trong suốt thời gian kiên trì theo đuổi các hợp đồng mua bán tàu sân bay cũ sẽ giúp Trung Quốc hoàn thiện tàu Thi Langcũng như phát triển công nghệ chế tạo tàu sân bay sau này.
Trong tình hình này, nhiều người băn khoăn liệu Mỹ có đưa ra bất cứ yêu cầu nào đối với Anh để ngăn chặn nỗ lực sở hữu tàu sân bay Ark Royer từ phía Trung Quốc hay không.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố chương trình hiện đại hóa quốc phòng với ưu tiên tăng cường tiềm lực của hải quân bằng cách phát triển tàu sân bay cũng gây ra lo ngại cho nhiều nước, đặc biệt là Mỹ.
Lê Dung (theo The Diplomat)