Thấy gì qua “làn sóng” trở về của nghệ sĩ hải ngoại (kỳ 1,2) (cập nhật)
Chưa bao giờ nghệ sĩ hải ngoại trở về Việt Nam rầm rộ như trong khoảng hơn một năm trở lại đây. 15 năm trước, lớp ca sĩ hải ngoại đầu tiên trở về như: Elvis Phương, Hương Lan, Đức Huy... làm sôi động những sân khấu lớn. Kế tiếp là Tuấn Ngọc, Duy Quang, Thái Châu, Giao Linh, Khánh Hà, Lệ Thu, Thái Hiền, Thái Thảo, Phi Nhung, Quang Toàn, Gia Huy, nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài... Và bây giờ, một làn sóng rầm rộ bao gồm cả những ca sĩ đã ở tuổi xế chiều, những ngôi sao và cả những ca sĩ trẻ đang cố gắng tìm chỗ đứng cho mình. Tại sao họ phải trở về? Những người “đi chậm”, “về sau” đang phải đối mặt với những khó khăn gì?
Kỳ 1: “VỀ NGUỒN”
Chỉ trong tháng 6-2011, chúng tôi tiếp xúc đến hơn 10 ca sĩ hải ngoại mới bắt đầu về Việt Nam trong một, hai tháng gần đây. Có ca sĩ từng một thời đình đám; có ca sĩ khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc, Canada nhưng chưa quen thuộc lắm với khán giả trong nước; có ca sĩ thuộc thế hệ trẻ, đang loay hoay tìm chỗ đứng ở nơi họ đang sinh sống, hoàn toàn “mới toanh” với khán giả trong nước như Thúy Khanh, Suny Lương, Hiếu Dũng, Nguyên Lê, Hồ Minh Chánh...
Sở dĩ chúng tôi gọi đây là những người “về muộn” bởi thứ nhất, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các ca sĩ hải ngoại đã về Việt Nam gần như đầy đủ. Thứ hai, những ca sĩ từ hải ngoại trở về đến thời điểm này thực sự không còn thu hút khán giả như trước đây, đặc biệt giữa năm 2010 đầu năm 2011, ngoại trừ những tên tuổi như: Kim Anh, Nhật Hạ, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền, Lưu Bích, Ý Lan, Linda Trang Đài, Minh Tuyết, Hà Phương, Lê Uyên, Ngọc Ánh, Thu Hà, Tuấn Vũ, Mạnh Đình, Quang Lê, Dương Triệu Vũ, Trường Vũ, Tommy Ngô, Johny Dũng...
Liveshow xuyên Việt Đôi mắt người xưa của Quang Lê
Còn nhớ cách đây năm năm, liveshow Tuấn Vũ lần đầu tại VN do Trung tâm băng nhạc Rạng Đông tổ chức đã lỗ nặng vì bấy giờ khán giả trong nước không mặn mà dòng nhạc này. Thế nhưng một, hai năm gần đây thị trường âm nhạc bắt đầu bão hòa; các sân khấu, chương trình ca nhạc quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu ca sĩ, bấy nhiêu bài hát; các sáng tác mới không thực sự tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, thì sự trở về của các ca sĩ hải ngoại với dòng “nhạc sến” là một sự thay đổi khẩu vị đối với khán giả trong nước. Họ đón nhận những ca sĩ hải ngoại như những đứa con đi xa mới về với tất cả ưu ái, mặc dù bây giờ phần lớn những giọng ca này đã ở tuổi về chiều, thanh sắc và phong độ không còn như trước.
Hỏi lý do trở về với bất kỳ ca sĩ nào chúng tôi cũng đều được nghe câu trả lời: “Về để được phục vụ khán giả quê nhà”. Đúng, tìm về cội nguồn là xu hướng tất yếu, không riêng gì nghệ sĩ mà bất cứ một người con xa xứ nào cũng mong mỏi. Thế nhưng, bên cạnh đó không thể không đề cập đến thị trường ca nhạc ở Mỹ và trong cộng đồng người Việt ở các nước lân cận hiện nay, các ca sĩ VN rất khó để tạo dựng được tên tuổi và rất ít show diễn. Gần như ca sĩ nào cũng phải kiếm sống bằng nghề khác, thậm chí có người còn phải lao động chân tay. Những tên tuổi như Khánh Hà, Minh Tuyết, Bằng Kiều, Quang Lê... có thể kiếm được 3.000 - 5.000USD ở một show lớn, nhưng có khi cả tháng trời mới có một show như vậy. Phần lớn các ca sĩ phải đi hát đám cưới, sinh nhật, hội chợ hoặc những địa điểm tổ chức kiểu “mì ăn liền” như các chương trình tạp kỹ ở tỉnh. Tuy nhiên, để được hát ở những chỗ này cũng không hề đơn giản, phải có mối quan hệ quen biết, chưa kể sự cạnh tranh không lành mạnh theo phe cánh. Ngay cả Khánh Ly cũng từng tâm sự trên báo là có lúc phải làm thêm dưa chua, cà pháo bỏ mối để kiếm sống. Thế nên những “sự trở về” này như là một xu hướng tất yếu. Về biểu diễn trong nước, tuy cát-xê không cao, nhưng có nhiều show diễn thậm chí có đến 2 - 3 show trong một đêm.
Ca sĩ Nhật Hạ
Sự thành công của các liveshow Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Khánh Hà, Lưu Bích, Minh Tuyết, Trường Vũ, Quang Lê... đã khiến cho các ca sĩ chưa từng về nước nhộn nhịp với kế hoạch “về nguồn”. Trong đó gồm những ca sĩ thuộc thế hệ trước và cả những ca sĩ trẻ như đã đề cập ở trên. Giới bầu show trong nước cũng tập trung khai thác các ca sĩ hải ngoại. Mặc dù được chào đón nồng nhiệt nhưng không phải show diễn nào cũng thành công, bởi còn tùy thuộc vào vùng miền. Ví dụ liveshow xuyên Việt Đôi mắt người xưa của Quang Lê khi tổ chức ở Hà Nội thì lại quá thành công, trong khi đưa về Cần Thơ và Đà Nẵng lượng vé bán không được như mong đợi.Ngay tại TP.Hồ Chí Minh, không phải sân khấu, phòng trà nào cũng có thể tổ chức được các chương trình hoặc liveshow cho ca sĩ hải ngoại. Phần lớn nhà tổ chức hoặc bản thân ca sĩ hải ngoại đều nhắm đến sân khấu Trống Đồng, kế đến là Lan Anh. Nhà hát Hòa Bình thì chỉ có những giọng ca thuộc dòng “nhạc sang” như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Khánh Hà... mới có thể tổ chức được. Tuấn Ngọc khi mới về Việt Nam cũng đã có hai đêm diễn rất thành công tại đây.
Còn nếu làm mini liveshow thì ở phòng trà Tiếng Xưa. Đây là nơi được các ca sĩ hải ngoại nhắm đến. Có những đêm diễn rất thành công như liveshow của ca sĩ Ý Lan, Nhật Hạ, Tuấn Ngọc, Tuấn Vũ, Randy... Tuy nhiên, cũng có những liveshow chỉ bán được hơn 30 vé.
Nhiều người cho rằng dòng “nhạc sến” dễ nghe, không kén khán giả là không chính xác, bởi theo như phân tích ở trên, cũng khá kén khán giả và kén sân khấu. Sự đón nhận nồng nhiệt ban đầu của khán giả một phần cũng vì “khẩu vị lạ”. Một cái khó nữa của nhà tổ chức chính là những đòi hỏi về cát-xê cao ngất ngưởng của ca sĩ hải ngoại. Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, những ca sĩ không tên tuổi đi hát đám cưới hoặc các show kiểu hội chợ cũng được 500USD một show, những ngôi sao dao động trong khoảng 3.000 - 5.000USD một show. Ca sĩ Duy Quang, chủ phòng trà Duy Tân từng kêu trời khi mời một nữ ca sĩ hải ngoại, chị này cứ nhất quyết đòi 3.000USD, trong khi số ghế của phòng trà chỉ khoảng 100. Chủ phòng trà Tiếng Xưa cũng than thở khi một nữ danh ca ngoài chuyện lấy cát-xê 2.000USD một đêm, còn đòi phải được ở khách sạn 5 sao và có xe đưa đón trong những ngày về Việt Nam.
Một vài ca sĩ không phải vô danh nhưng cũng không phải ngôi sao, khi về Việt Nam cứ nhất quyết đòi cát-xê 25 - 35 triệu một show, chưa kể buộc đơn vị tổ chức phải mời thêm các em, cháu của ca sĩ này hát cùng, với cát-xê cũng cao ngất ngưởng. Một đơn vị tổ chức xin được giấu tên nói rằng, một vài lần đầu khi mới lạ còn bán được vé nên bấm bụng mời chứ không thể mời đến lần thứ ba, thứ tư vì khán giả không còn tò mò. Với mức cát-xê như vậy, thà mời những ngôi sao trong nước có lượng khán giả đông hơn mà không kén sân khấu.
Chúng tôi gặp và trò chuyện với nhiều ca sĩ về nước trong những tháng gần đây. Đa số họ đều gặp khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp ca hát ở thị trường trong nước, kể cả những người đã có tên tuổi. Khó nhất là việc tìm show hát. Số ca sĩ thành công, số đêm diễn thành công mà báo chí nêu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các đơn vị tổ chức cũng rất hào hứng với mác ca sĩ hải ngoại, nhưng khi bắt tay vào xây dựng một chương trình biểu diễn đôi khi phải bỏ cuộc vì khó tìm được thời điểm, sân khấu thích hợp; chi phí tổ chức lớn, tiền tác quyền cao, ca sĩ đòi cát-xê quá nhiều... Mặt khác, các chương trình ca nhạc trong nước hiện nay phần lớn là phục vụ cho công chúng trẻ, quy tụ những tên tuổi ca sĩ trẻ, vì vậy cũng thật khó để mời những ca sĩ hải ngoại có tên và cả “có tuổi” tham gia. Còn những ca sĩ hải ngoại trẻ đang cố gắng tìm chỗ đứng trong nước thì khán giả lại chưa biết, tên tuổi chưa đủ sức bán được vé. Vì vậy show diễn dành cho các ca sĩ hải ngoại cũng bị hạn chế.
Ca sĩ Minh Tuyết
Theo các ca sĩ hải ngoại, trở ngại lớn nhất chính là vấn đề giấy phép biểu diễn. Một ca sĩ hải ngoại về nước xin giấy phép đôi khi vài tháng mới có nhưng giấy phép chỉ có hiệu lực trong 3 hoặc 6 tháng. Đó là chưa kể vấn đề giới hạn phạm vi biểu diễn, tức là chỉ được biểu diễn ở phòng trà nào, sân khấu nào, địa phương nào. Có trường hợp chỉ được biểu diễn duy nhất một chương trình, đó là trường hợp ca sĩ Thu Phương trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19. Mới đây chúng tôi gặp ca sĩ trẻ Hiếu Dũng, anh cho biết về nước 3 tháng và có nhờ người quen làm thủ tục xin giấy phép biểu diễn một liveshow mini tại TPHCM. Thế nhưng gần đến ngày anh đi vẫn chưa có nên đành hẹn lần sau.
Sống ở Mỹ nhiều năm, khi về nước ca sĩ nào cũng mong muốn gặp được thuận lợi trên con đường ca hát để ở lại lâu dài, bởi khi đã tuyên bố về nước mà không tìm được chỗ đứng trong nước, quay ngược lại Mỹ sẽ bị một số bầu show theo phe cánh bên kia tẩy chay, nên áp lực tâm lý, áp lực tài chính luôn đè nặng lên vai. Có người phải ở khách sạn nếu như không có người thân, bạn bè cho ở nhờ. Chính vì áp lực như thế nên phần lớn các ca sĩ này dễ bị mất phương hướng, không có chiến lược rõ ràng. Đa số các ca sĩ hải ngoại thường gặp khó khăn trong việc tìm người quản lý, bởi mối quan hệ giữa quản lý và ca sĩ được đảm bảo theo tỷ lệ ăn chia lợi nhuận của cát-xê, nói thẳng ra đó là hợp đồng kinh tế, một sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Khi một ca sĩ khó có khả năng thành “sao” thì các quản lý cũng ngần ngại đầu tư thời gian, công sức và có thể cả tiền bạc, bởi ngoài rủi ro về hiệu quả kinh tế còn ảnh hưởng đến tên tuổi của cả hai. Vả lại, tâm lý chung của các quản lý là thích đầu tư vào ca sĩ mới toanh hơn là những ca sĩ từng “chinh chiến” trên các sân khấu ca nhạc nhiều năm mà chưa thể thành danh. Ca sĩ mới toanh chưa biết gì, theo các quản lý sẽ dễ định hướng từ phong cách âm nhạc, stylist hơn là bắt đầu làm mới hoàn toàn cho một ca sĩ cũ.
Ca sĩ Elvis Phương
Bởi vậy phần lớn các ca sĩ hải ngoại về là “tự bơi” hoặc nhờ bạn bè, người quen, mỗi người giúp một chút. Thế nhưng chính vì “lắm thầy” nên sẽ có “nhiều ma”, làm cho ca sĩ dễ đi sai đường.
Nhìn chung các ca sĩ hải ngoại về nước, thuận lợi duy nhất chính là cái mác ca sĩ hải ngoại, thế nhưng cũng chỉ như ấn tượng ban đầu trước một cô gái đẹp, còn sau đó chính là nội lực quyết định sự thành hay bại của sự trở về. So với các ca sĩ về trước đây và có sẵn thương hiệu, các ca sĩ trẻ càng về sau càng gặp khó khăn trong việc tìm show hát, chỗ đứng. Một số ít may mắn tìm được chỗ để “đầu quân” như Dương Triệu Vũ là ca sĩ độc quyền của Công ty Tiếng Hát Việt, Suny Lương “đầu quân” vào Công ty Anh Kiệt. Thế nhưng, theo nhận định của nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, một điểm chung đáng trân trọng là phần lớn các ca sĩ hải ngoại không chịu hát nhép, hát clip và cung cách làm việc chuyên nghiệp, đúng giờ. Ca sĩ Duy Quang với tư cách là ông chủ một phòng trà, cũng đồng tình với nhận xét này. Bên cạnh đó một số ca sĩ lại “nhập” về những thói quen không lành mạnh như trước giờ ra sân khấu họ phải uống rượu, bia hoặc dùng một vài chất kích thích khác để hát hay hơn, sung hơn. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến các ca sĩ hải ngoại khác cũng như làm mất đi hình ảnh đẹp của người ca sĩ trong lòng khán giả.
Các nghệ sĩ về trước, ngoài việc đã tạo dựng được thương hiệu hiện còn có công việc kinh doanh, nhà cửa ổn định tại TPHCM như Hương Lan, MC Kỳ Duyên, Duy Quang, Đức Huy, Elvis Phương, Quang Toàn... Gần đây ca sĩ trẻ Suny Lương cũng mở shop kinh doanh quần áo với ý định nối gót các anh chị đi trước, lập nghiệp hẳn ở TPHCM.
Ca sĩ Hương Lan
Hơn 30 năm qua, các sinh hoạt ca hát ở hải ngoại tưởng chừng như rất sôi động nhưng thực ra bó hẹp trong phạm vi nhỏ, với lượng khán thính giả cũng rất nhỏ bé so với thị trường trong nước. Trung tâm Thúy Nga vẫn đều đặn làm chương trình Paris by Night tưởng chừng như rất hoành tráng nhưng chỉ với một văn phòng chưa đầy 20m2 và gần đây đang trong tình trạng lỗ nặng với nguy cơ phải đóng cửa. Asia thì lại tập trung mảng chính trị, khai thác bạo lực hận thù dân tộc, khai thác hình ảnh người lính Việt Nam cộng hòa, khai thác nỗi đau vượt biên để thứ nhất tìm chỗ dựa từ các hội đoàn chống Cộng ở Hoa Kỳ và thứ hai để tạo ra “nét riêng” kiểu “kinh doanh bằng tâm lý chiến”.
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà đất nước ngày càng mở cửa, hội nhập thì những xu hướng ngược dòng như thế không thể tồn tại. Những sân khấu chuyên về tuyên truyền chính trị, chuyên về tâm lý chiến không thể được lòng khán giả, đồng bào xa xứ, kể cả những người cực đoan nhất. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại từ lâu đã ngán ngẩm với những “Đại nhạc hội chiến sĩ mùa hè”, “Đại nhạc hội chiến sĩ mùa đông”, “Cảm ơn anh người thương binh VN cộng hòa”...
Mặt khác, cục diện thời đại xuất hiện nhiều khía cạnh mới, cả nước đang đoàn kết một lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt trong nước hay ở bất kỳ nơi đâu cũng là người Việt Nam, phải có trách nhiệm với Tổ quốc của mình, người nghệ sĩ, trí thức lại càng phải có trách nhiệm hơn. Đó là cũng là lý do mà nghệ sĩ hải ngoại càng ngày càng có xu hướng “về nguồn”, phục vụ đồng bào trong nước. Đây là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của thời đại. Chúng tôi nghĩ rằng một ngày không xa, dòng chảy âm nhạc giữa hải ngoại và trong nước sẽ hòa chung thành một để phục vụ dân tộc, phục vụ Tổ quốc.
Diễn Đàn Người Việt Hải Ngoại. Tự do ngôn luận, an toàn và uy tín. Vì một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ Việt Nam hãy ghé thăm chúng tôi, hãy tâm sự với chúng tôi mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút có thể. VietBF.Com Xin cám ơn các bạn, chúc tất cả các bạn vui vẻ và gặp nhiều may mắn.
Welcome to Vietnamese American Community, Vietnamese European, Canadian, Australian Forum, Vietnamese Overseas Forum. Freedom of speech, safety and prestige. For a beautiful future for Vietnamese generations, please visit us, talk to us every day, every hour and every moment possible. VietBF.Com Thank you all and good luck.