Châu Âu, thế giới rúng động vì khu vực đồng Euro đang căng thẳng
Liên hiệp châu Âu EU cảnh báo nhiều ngân hàng châu Âu có thể cần phải tái huy động vốn, ngoài 9 ngân hàng không qua được cuộc trắc nghiệm về căng thẳng mới đây. Nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng châu Âu có thể lan rộng toàn cầu. Một vài người nói những ảnh hưởng của nó có thể so sánh với việc sụp đổ vào năm 2008 của tập đoàn đầu tư Mỹ Lehman Brothers.
Hình: AP
Một người môi giới chứng khoán làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức
Châu Âu đang cố gắng cứu vãn đồng euro đang ràng buộc 17 quốc gia.
Những nước này đang cố thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay. Giáo sư James Walson thuộc Trường đại học Mỹ tại Rome nói:
“Các nước này cần phải làm điều gì đó để cứu đồng euro, để cứu châu Âu. Chưa đụng đáy vực thẳm, nhưng cũng gần kề.”
Gần đến nỗi Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Timothy Geithner đã có một quyết định bất thường là gặp các Bộ trưởng Tài chánh EU và đưa ra những khuyến nghị.
Vào năm 2008, tập đoàn đầu tư Mỹ Lehman Brothers sụp đổ, gây ra những làn sóng chấn động kinh tế toàn cầu. Kinh tế gia Jacob Kirkrgaard thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói: “Lehman giống như những ngân hàng lớn châu Âu. Nếu những ngân hàng này lâm vào cảnh khủng hoảng cấp tính, sẽ có cùng một loại hậu quả gây sốc tai hại cho thị trường tài chánh toàn cầu.”
Nhưng ở đây có sự khác biệt lớn.
Vào năm 2008, Hoa Kỳ đáp ứng tức thì bằng tiền của người đóng thuế với một chương trình cứu nguy 700 tỉ đô la. Hoa Kỳ chỉ cần đưa ra trước một Quốc hội để được thông qua số tiền cứu nguy này.
Ông Jacob Kirkegaard nói: “Tại châu Âu, chúng ta có 17 quốc hội khác nhau với những chương trình làm việc khác nhau, những lịch trình bầu cử khác nhau để làm việc này.”
Hiện nay, Hy Lạp và một số quốc gia khác đang có những chương trình tiết kiệm, khắc khổ.
Một số chuyên viên khuyến cáo nên cho phép Hy Lạp vỡ nợ, rời khu vực đồng euro, để củng cố lại toàn bộ nhóm này.
Điều này có nghĩa là Hy Lạp cần phải bất chấp những cuộc biểu tình, tiếp tục tăng tốc cắt giảm chi tiêu và sa thải nhân viên chính phủ. Nếu không làm những chuyện đó, người ta tiên đoán là vào tháng tới Hy Lạp sẽ không vỡ nợ.
Và sự kiện này có thể lan rộng đến những quốc gia châu Âu khác.
VOA
|