Nếu kinh tế châu Âu đi xuống, kinh tế Mỹ có thể lại rơi vào suy thoái và thế giới chắc chắn chịu chấn động.
Khủng hoảng nợ châu Âu đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu suốt 18 tháng qua phát đi tín hiệu về một thách thức lớn hơn: kinh tế châu Âu sẽ suy thoái lần thứ 2 trong 3 năm.
Hiện nay, kinh tế Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiện đã trong quá trình suy giảm hoặc đang cố gắng để ngăn suy thoái kinh tế ở thời điểm khi thất nghiệp cao và các biện pháp thắt chặt ngân sách gây ra tác động.
Tuy nhiên trong vài tuần qua, ngay cả nền kinh tế giàu có như Đức và Pháp, hai cường quốc kinh tế của châu lục, cũng bắt đầu đi xuống do số lượng đơn đặt hàng từ các nước còn lại tại châu Âu giảm.
Thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm khi ngân hàng Deutsche Bank, chịu áp lực từ khủng hoảng nợ, hạ dự báo lợi nhuận cả năm 2011. Nhà đầu tư cũng lo lắng về thông tin ngân hàng liên minh Pháp – Bỉ có thể trở thành ngân hàng lớn đầu tiên của khu vực cần đến sự giải cứu của chính phủ do chịu tác động của khủng hoảng nợ.
Khủng hoảng nợ châu Âu không phải vấn đề của riêng châu lục này.
Mỹ, đối tác ngân hàng và thương mại quan trọng của châu Âu, cũng đang mắc kẹt trong những vấn đề của riêng mình. Chủ tịch Fed cảnh báo đà phục hồi của kinh tế Mỹ gần như chuẩn bị chững lại. Phát biểu với Quốc hội Mỹ, ông khẳng định kinh tế Mỹ có thể rơi vào cuộc suy thoái mới trừ khi chính phủ hành động mạnh tay hơn.
Nếu kinh tế châu Âu đi xuống, kinh tế Mỹ có thể lại rơi vào suy thoái và thế giới chắc chắn chịu chấn động. Các ngân hàng châu Âu liên kết chặt chẽ nhất thế giới và đồng euro cho đến nay là đồng tiền dự trữ lớn thứ 2 trên thế giới sau đồng USD.
17 nước thuộc Liên minh châu Âu hiện đang sử dụng đồng euro đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế nhóm nước mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ, khách hàng tiêu thụ quan trọng hàng xuất khẩu của châu Âu, đang bắt đầu đi xuống.
Ông Jean-Claude Trichet, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói: “Chúng tôi đang ở tâm bão khủng hoảng toàn cầu.”
Ngày một nhiều chuyên gia phân tích dự báo châu Âu đang hướng đến suy thoái kinh tế. Goldman Sachs dự báo cả kinh tế Đức và Pháp sẽ cùng rơi vào suy thoái, dự báo của một số tổ chức khác kém bi quan hơn.
Hiện nay, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã gần như không tăng trưởng. Kinh tế khu vực này có thể trong tình trạng trì trệ ít nhất đến mùa xuân năm 2012. Nếu điều đó xảy ra, nguồn doanh thu thuế sẽ giảm, thất nghiệp vốn đã cao còn cao hơn. Như vậy châu Âu sẽ gặp khó trong giải quyết khủng hoảng nợ và bảo vệ các ngân hàng yếu kém.
Tình thế đã thay đổi quá nhanh. Tối nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ hạ lãi suất cơ bản đồng euro, chỉ vài tháng sau khi nâng lãi suất bởi thực trạng kinh tế châu Âu quá khó khăn. Dù chắc chắn, biện pháp này có thể không mấy phù hợp trong bối cảnh lạm phát cao.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khá lạc quan, IMF dự báo kinh tế Đức tăng trưởng 1,3% trong năm 2012 sau khi tăng trưởng 2,7% trong năm nay.
Thế nhưng chính IMF gần đây cũng thừa nhận đã đánh giá quá mức tốc độ phục hồi của kinh tế châu Âu. IMF dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2012 và tăng trưởng 1,6% vào năm 2011.
Tại Tây Ban Nha, hàng chục nghìn người biểu tình kêu gọi chính phủ nới lỏng chính sách thắt chặt ngân sách. IMF từng dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Tây Ban Nha năm 2012 có thể đạt 1,1% từ mức 0,8% trong năm nay.
Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha hiện ở mức 20% và tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ gần gấp đôi con số trên.
Tình hình kinh tế Bồ Đào Nha còn tồi tệ hơn. Nước này vốn đang chịu sự chi phối của thỏa thuận giải cứu với Liên minh châu Âu (EU) và IMF. IMF cảnh báo Bồ Đào Nha cần tiết kiệm ngân sách thêm 1 tỷ euro mới đủ điều kiện. Kinh tế Bồ Đào Nha có thể tăng trưởng âm 1,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2012.
Châu Âu hiện đang ở tâm điểm cuộc khủng hoảng do đầu tư thị trường bất động sản Mỹ và sau đó lan sang châu Âu và dường như chẳng ai biết cuối cùng mọi chuyện sẽ đi về đâu và kéo dài bao lâu.
Đình Hảo
Theo TTVN