Khi blog Quê Choa đăng bài “Phục tài bác Mạnh”, có rất nhiều ý kiến phản đối (trên FB của tôi) vì cho rằng đó là chuyện đời tư. Báo chí VN rất nhạy với chuyện “Thủ tướng Ý lăng nhăng, Tổng thống Pháp lấy vợ trẻ” nhưng lại rất thờ ơ với chuyện Tổng Bí thư mình lấy vợ, bạn đọc cũng quen dần, coi đó là nơi tôn nghiêm. Xin post lại một bài viết đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị và blog Osin từ 15-10-2007:
Vàng Anh – Trà Chanh Và Chuyện Con Mèo ở New York
Hai vụ, Vàng Anh-Trà Chanh, đã thay thế vị trí mà vài tuần trước đây, các báo giành cho vụ sập cầu Cần Thơ và bão lụt Miền Trung. Chợt nhớ đến vụ một con mèo bị rơi xuống cống ở khu Manhattan, New York, hồi năm ngoái.
Người ta chỉ thấy tiếng mèo thỉnh thỏang kêu vọng lên. Chủ con mèo ở một nhà hàng lo cuống, sợ mèo yêu bị chết vì đói khát. Thế là 40 lính cứu hỏa được điều đến, hàng trăm người tình nguyện vào cứu con mèo, có người còn khóc lóc. CNN kênh New York phát trực tiếp cảnh cứu hộ. Các báo lá cải chạy trang nhất. Đến tờ New York Times là tờ đạo mạo số một cũng viết nửa trang về con mèo. Trong khi tờ này chỉ cho tin nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện được 2 cột bé tí. Vụ cứu hộ con mèo kéo dài tới hai tuần và báo chí cũng đưa tin suốt hai tuần đó.
Bây giờ nhiều báo Việt Nam đã hết bao cấp, phải tự nuôi sống mình nên phải xoay xở tăng lượng độc giả và quảng cáo. Có hai cách cơ bản để thu hút độc giả: một là viết về những gì liên quan và dính líu đến lợi ích của độc giả, hai là viết về những gì gây tò mò.
Nhiều người quan tâm về con mèo thì báo chí sẽ viết về con mèo. Dù, một số người thấy vô lý và ngán ngẩm. Chắc chắn số người quan tâm đến vụ Trà Chanh-Vàng Anh nhiều và làm báo bán chạy. Đây là mốc đánh dấu sự phân tách hướng đi của vài tờ nhật báo lớn nhất nước. Có tờ sẽ đi vào các vấn đề quốc kế dân sinh, bảo vệ lợi ích thiết thân của người dân để có độc giả, có tờ sẽ đi vào các vấn đề gây tò mò, giải trí, giật gân, không quan tâm lắm đến đạo đức, công bằng, khách quan (vì bài viết sẽ không hấp dẫn) để hút người đọc. Đừng vội vàng chụp mũ như thế là tốt hay xấu. Điều tốt là báo chí Việt Nam giờ đây đã cho người đọc nhiều lựa chọn, không còn là người phát ngôn khuôn mẫu nữa.
Hai vụ Trà Chanh-Vàng Anh chưa hẳn chỉ báo lá cải mới nên viết. Hai vụ này đưa ra hai câu hỏi rất lớn về cuộc sống hiện đại mà báo chính thống, nếu gần độc giả, bỏ khuôn mặt đạo đức đạo mạo, sẽ phải trả lời. Đó là luật thông tin đối với blog, luật bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Đó là cuộc cách mạng tình dục trong giới trẻ ở Việt nam.
Hai vụ này đều liên quan đến người nổi tiếng. Nhiều nước có luật riêng về thông tin về người nổi tiếng và có công nghệ quản lý thông tin về người nổi tiếng chuyên nghiệp. Người nổi tiếng và các quan chức dân cử phải chấp nhận sống dưới sự quan sát chặt chẽ của báo chí, dư luận và buộc phải quan tâm đến hình ảnh, ứng xử của mình trước công chúng.
Nếu một người bình thường bị báo chí toàn cầu in cảnh bị tốc váy thì có thể kiện đòi hàng triệu đô la đền bù do bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được. Cũng giống như vụ Pamela Anderson bị tung băng sex của cô và chồng. Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex.
Luật báo chí các nước cũng bảo vệ quyền thể hiện quan điểm của người viết. Với các chính khách, các quan chức và người nổi tiếng, người viết có quyền chỉ trích, thậm chí châm biếm nhưng không được bịa đặt. Ví dụ Cô gái Đồ Long có thể viết cô thấy liveshow của một ca sĩ rất chán và thất bại. Ca sĩ kia không thể kiện cấm cô bình luận được vì đó là quyền tự do thể hiện quan điểm của người viết. Nhưng nếu cô viết rằng bảo vệ mở toang cửa cho người không có vé vào xem liveshow mà cô không chứng minh được đó là sự thật thì nó có thể là yếu tố cho một vụ kiện chống lại cô.
Các nhà làm phim Nhật ký Vàng Anh chắc hẳn đang rất đau đầu. Nếu nhà đài muốn xây dựng một hình tượng cô học sinh Vàng Anh trong sáng, mẫu mực, truyền thống thì cần có hợp đồng chặt chẽ với diễn viên thủ vai này về hình ảnh của diễn viên trước công chúng.
Hoa hậu Mỹ 2006 Tara Conner phải khóc rất nhiều khi suýt bị tước vương miện sau khi bị lộ những bức ảnh cô hôn Hoa hậu Thiếu niên ở quán bar, cùng thông tin cô sử dụng cocain và bí mật đưa đàn ông về căn hộ dành riêng cho Hoa hậu. Hoa hậu Anh 2006 Danielle Lloyd bị tước vương miện sau khi lộ chuyện cô quan hệ với cầu thủ Teddy Sheringham, thành viên ban giám khảo, trước cuộc thi. Những hành động như thế này sẽ không gây hại nếu họ là người bình thường. Nhưng vì hai cô là Hoa hậu, là người của công chúng và, ở mức độ nào đó, là tấm gương cho nhiều người.
Hình ảnh những học sinh Việt Nam trong sáng, hiền ngoan, thông qua hình tượng Vàng Anh rõ ràng là một biểu tượng đẹp. Nhưng, liệu nhà đài có thể nhắm mắt trước một cuộc cách mạng tình dục không thể phủ nhận đang diễn ra trong giới trẻ Việt nam mà xì-căng-đan của diễn viên Thuỳ Linh đóng vai Vàng Anh vừa xảy ra là một ví dụ. Sau sự cố “Vàng Anh”, VTV hoàn toàn có thể tư duy lại để có một cái nhìn thẳng thắn hơn với giới trẻ bây giờ. “Nhật Ký Vàng Anh” vẫn có thể tiếp tục, Thuỳ Linh vẫn có thể thủ vai chính, nếu VTV dám điều chỉnh kịch bản, đề cập đến vấn đề xã hội gai góc nhất của giới trẻ, dẫn dắt câu chuyện một cách chân thực như nó đang diễn ra trong sinh viên, học sinh và như nó đã diễn trong trường hợp Thuỳ Linh.
Theo Osin Huy Đưc FB