Đối với những thanh niên Trung Quốc, tấm thiệp mời cưới giống như tờ hóa đơn bởi vì họ sẽ phải đưa tiền cho chú rể, cô dâu trong lễ thành hôn.
Mừng tiền trong lễ cưới đang trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Ảnh:wantchinatimes.c om.
Tặng quà cho cặp vợ chồng mới cưới được xem là phép xã giao ở phương Đông và phương Tây. Trước thời kỳ cải cách mở cửa Trung Quốc vào năm 1978, quà cưới thường là những món đồ cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt như khăn trải bàn, phích nước và các đồ gia dụng. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, việc mừng cưới bằng tiền đã trở nên phổ biến hơn.
Sau một thời gian khá dài, những ý nghĩa tốt đẹp của quà cưới bằng tiền mặt mai một dần do người ta mong nhận được nhiều tiền trong đám cưới. Mọi người có xu hướng mừng nhiều tiền để lấy “thể diện”. Trào lưu này tạo ra áp lực cho giới trẻ, China Daily nhận định.
Chen Dongfang vừa tốt nghiệp đại học năm ngoái và đang làm việc cho công ty thiết kế nội thất ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Anh cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 10 anh đã dự hơn 5 đám cưới. Lương hàng tháng của Chen chỉ có 2.800 nhân dân tệ (442 USD), nhưng anh phải chi hơn 3.000 nhân dân tệ để mừng cưới. Mức lương hiện tại chỉ giúp Chen trang trải những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Do đó, tiền mừng cưới là cả một gánh nặng với anh.
Theo Chen, nếu không muốn mất tiền thì vẫn có một cách để thoát. Nếu những người bạn không thân mời cưới, anh sẽ cáo lỗi để tránh phải đến. Chen thích nhận được một món quà cưới có ý nghĩa hơn là nhận được tiền mặt.
Liu Senping, một người sắp nghỉ hưu sống tại Tế Nam, kể rằng kết hôn vào năm 1983, ông nhận được một vài đôi giầy, hai bộ khăn trải bàn, một bộ bát đĩa, và một vài chiếc phong bì chứa chưa tới 10 nhân dân tệ.
"Trong trào lưu mừng tiền cưới như hiện nay, chi 200 nhân dân tệ cho mỗi đám cưới quả thực là một gánh nặng đối với những thanh niên mới đi làm", ông bình luận.
Ngoài đám cưới, người dân Trung Quốc còn mừng tiền trong các dịp sinh nhật, tiệc tùng. Đôi khi người ta buộc phải mừng tiền vì những người khác cũng làm như vậy. Trào lưu này thường xuất hiện giữa các đồng nghiệp. Dong Lili, một quan chức chính phủ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc kể: “Bố mẹ tôi đã phải làm việc vất vả để có tiền mừng vào các dịp lễ lớn của những người đồng nghiệp bởi vì những người cùng cơ quan họ cũng mừng tiền".
Mặc dù có rất nhiều lời phàn nàn về việc truyền thống tặng quà bằng tiền, nhưng hiện nay ngày càng có nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để họ mở rộng mối quan hệ xã hội.
Xia Xueluan - một trong những người lo ngại việc tặng quà bằng tiền sẽ trở thành một hình thức hối lộ kiểu mới - phát biểu: “Tôi cho rằng đây là hủ tục. Tiền mừng hiện được sử dụng với nhiều mục đích riêng chứ không còn là biểu tượng cầu may".
Pan Xia, một giáo viên trung học ở tỉnh Hà Bắc, khẳng định “rất nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã thừa cơ trục lợi qua cái trào lưu mừng tiền". Xia dự đoán mặc dù bị xã hội lên án, thói quen mừng tiền sẽ không dễ mất đi bởi vì sức mạnh văn hóa. Tuy nhiên, cô hy vọng mức tiền mừng nên giảm xuống mức mà mọi người có thể chấp nhận.
Nguyễn Chang/vnexpress