Gia đình chưa nhận được thông báo của tòa án
HÀ NỘI - Vụ án ông Trịnh Xuân Tùng bị Trung tá Công an Vũ Văn Ninh đánh gãy cổ và thiệt mạng hôm 8 tháng 3, được truyền thông trong nước hôm 1 tháng 11 loan tin sẽ được xét xử tại tòa án Hà Nội vào ngày 17 tháng 11, 2011.
Ông Trịnh Xuân Tùng được đưa vào cấp cứu trong bệnh viện khi tay vẫn bị còng, sau đó qua đời hôm 8 tháng 3, 2011. (Hình: Dân Trí)
Theo đó Trung Tá Nguyễn Văn Ninh công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội “sẽ ra tòa về tội 'làm chết người trong khi thi hành công vụ.”
Nhưng cho đến ngày 15 tháng 11, tức chỉ còn hai ngày trước phiên tòa, gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận được thông báo hay giấy mời của tòa án.
Trong một bài viết trên trang Facebook, cô Trịnh Kim Tiến (con gái ông Trịnh Xuân Tùng) nói rằng, việc “chờ đợi một thông báo của Tòa án nhân dân Hà Nội đang đi quá những giới hạn mà tôi có thể tưởng tượng ra.”
Theo lời cô Kim Tiến, “suốt từ khi có thông tin này, gia đình tôi đã chờ đợi một thông báo hoặc giấy mời từ phía Tòa án về việc tham dự phiên tòa. Nhưng bao nhiêu chờ đợi thì đem đến bấy nhiêu thất vọng.”
Vẫn theo Kim Tiến, “Kể từ khi được thông báo về kết quả điều tra từ cơ quan điều tra đến nay, chúng tôi chưa từng nhận được bất kỳ sự liên lạc nào từ phía các cơ quan hữu quan. Ðến hôm nay, ngày 15 tháng 11, tức là chỉ còn 2 ngày nữa sẽ đến phiên tòa xét xử (theo thông tin trên báo chí), chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào từ họ.”
Kim Tiến cho biết thêm, “Luật sư của tôi liên lạc với Tòa án qua điện thoại, hỏi về việc vụ án này có được đưa ra xét xử hay không, thì nhận được câu trả lời không thể chấp nhận nổi: cũng chưa biết nữa, người bên Viện Kiểm Sát bị ốm, nếu ông ấy đi được thì Tòa sẽ gửi giấy trực tiếp xuống.”
“Ðó là câu trả lời vô trách nhiệm của những người làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Ðó là sự xúc phạm nặng nề mà một cơ quan bảo vệ pháp luật dành cho gia đình của những người cần được bảo vệ.”
Kim Tiến đặt câu hỏi, “Có bao giờ họ nghĩ đến lúc họ có người ruột thịt bị đánh chết, họ sẽ cảm thấy như thế nào khi bị đối xử như vậy hay không? Những người bình thường không bao giờ cứa vào nỗi đau của người khác một cách tàn nhẫn đến như vậy.”
Và cô tâm sự rằng, “Tôi phải cố gắng tiếp với những điều khó chấp nhận đó, sống tiếp với hành trình đòi công lý cho cha tôi. Công lý, nếu có, cũng đang bị trì hoãn ở một nơi rất xa, bởi câu hỏi rất đơn giản là ‘phiên tòa có được diễn ra không?’ cũng không ai trả lời.”
Vụ trung tá công an đánh chết người hồi tháng 3 làm xôn xao dư luận tại Hà Nội trong một thời gian dài và thân nhân của ông Tùng mong chờ sự công bằng của pháp luật từng ngày.
Ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, đi xe ôm đến bến xe Giáp Bát để vào Nam cùng với một người bạn. Tới bến xe, tài xế xe ôm bị phạt vì để ông Tùng không đội mũ an toàn. Nhân chứng nói rằng khi xe ôm chạy đến nơi thì ông Tùng mới cởi mũ an toàn ra để gọi điện thoại, nhưng người lái xe ôm vẫn bị phạt. Ông Tùng chen vào tranh cãi số tiền phạt nhiều ít dẫn đến hành động đánh người của ông trung tá công an.
Ngay từ đầu, các tin tức đưa ra nhanh chóng từ một số nguồn tin độc lập cho biết, trung tá công an Ninh đã dùng dùi cui đánh vào gáy ông Tùng làm ông này gục xuống. Ông Ninh còn có sự phụ lực của 3 dân phòng cũng xông vào đánh đá.
Dù ông Tùng gục xuống đường, ông còn bị còng lôi về trụ sở công an phường Thịnh Liệt. Khi gia đình ông hay tin đến xin đưa ông đi cấp cứu thì bị từ chối. Chính ông Tùng kêu khát nước cũng không được cho một giọt nước. Chính ông xin được đưa đi bệnh viện còn bị mắng chửi. Ông còn bị cho là giả vờ ăn vạ. Những lời chửi bới, nhiếc móc của đám công an trực tại trụ sở công an phường Thanh Liệt được thân nhân ông thuật lại và phổ biến trên Internet gây phẫn nộ khắp nơi về cách hành xử độc ác, côn đồ của công an.
Nhiều tiếng đồng hồ sau mới chấp nhận cho chở ông đi bệnh viện thì tình trạng của ông đã trở thành quá tệ. Qua hai bệnh viện khác nhau, ông Tùng vẫn không qua khỏi vì gãy xương sống cổ. Ông chết ngày 8 tháng 3, 2011.
(KN-NV)