Hà Nội- chốn phồn hoa đô hội, người ta không chỉ biết đến những món cao lương mĩ vị, những đặc sản chốn kinh kỳ, mà Hà Nội ngày nay còn đặc trưng bởi những quán vỉa hè như trà đá, bánh khoai, bánh ngô, ốc luộc…
Những món ăn, thức uống bình dị đó đã mang lại cho "nhà đầu tư" một món lời kếch sù?
Doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng?
Mùa hè thì có trà đá, nước mía, mùa đông thì có bánh chuối, bánh khoai… đó là những món bình dân mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong mọi ngõ ngách chật hẹp trên đất Hà thành. Mùa nào thức ấy, nói thì nói vậy nhưng nếu khéo léo một chút thì mùa nào người ta cũng có thể đầu tư vào những mặt hàng "dễ kiếm lời" này. Với bộ đồ nghề không quá cầu kỳ, nặng nhọc gồm vài phích nước nóng, mấy cân chè mạn, nhân trần, 1 hộp kẹo lạc, vài thỏi sing-gum, 2-3 cây thuốc lá, 1 cái điếu cày, phong phú hơn thì có thêm đĩa hoa quả, hạt hướng dương… Ngót nghét gánh hàng chừng 1 triệu đến 2 triệu đồng là ai cũng có thể trở thành "sứ giả vỉa hè". Ấy thế mà gánh hàng đó lại mang lại cho những "nhà đầu tư" của chúng ta một món "siêu lợi nhuận".
Những hình thức kinh doanh như thế này tuy nhỏ, nhưng lại có doanh thu, lợi nhuận lớn
Chị Phạm Thị Thủy, với thâm niên bán trà đá, nhân trần đã hơn 10 năm nay tại phố Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán ra hơn 300 cốc trà, bất kể mùa hè hay mùa đông. Vì chỗ ngồi có vị trí đắc địa, nơi tập trung khá nhiều Cty, văn phòng, siêu thị nên khách cứ thế mà tìm đến". Vốn chị Thủy bỏ ra mỗi ngày là khoảng 5 viên than tổ ong, 70 lít nước, 2kg chè mạn (khoảng 50.000-100.000 đồng/kg), tổng chi cũng vào cỡ 200.000 đồng. Với lượng bán ra hơn 300 cốc trà/ngày, chưa kể thuốc lá, kẹo… Giá mỗi cốc trà là 2.000 đồng. Thu nhập mỗi ngày của chị vào khoảng 400.000-500.000 đồng. Tính ra, một tháng gánh nước chè của chị Thủy mang lại cho chị nguồn thu hơn 15 triệu đồng. Đây quả là niềm mơ ước của không ít cán bộ, công nhân viên chức trong "thời lạm phát".
Chị Thủy còn cho biết thêm: "Nhưng không phải ai bán nước chè cũng lãi nhiều như thế. Thường thì mùa đông, ít khách hơn, nhưng đối với quán của tôi, doanh thu mùa nào cũng vậy. Điều quan trọng là mình làm sao phải pha trà thơm, nước xanh thì khách mới nhớ mà đến". Mùa hè là mùa trà đá "lên ngôi". Khác với các dịch vụ giải khát khác, khách hàng phải cần đến vài chục ngàn đồng mới có thể "giải nhiệt", trong khi với những thức uống bình dân như trà đá, nhân trần chỉ mất vài nghìn đồng.
Đặc biệt là những nơi có vị trí đắc địa như bến xe, trường học, công viên, khu vui chơi giải trí thì mùa hè được coi là mùa bội thu vì lượng khách tăng vọt. Sầm uất hơn cả vẫn là khu vực xung quanh sân vận động Mỹ Đình lúc xế chiều cho tới 11g đêm. Nơi đây thu hút một lượng khách lớn mỗi ngày chủ yếu là các đôi tình nhân và là tụ điểm để mọi người đến hóng mát hay trong những dịp lễ hội tổ chức ở sân vận động. Vì thế mà những quán nước quanh khu vực này cũng được dịp phát tài.
Chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Phú Thọ bán trà, nước ở khu vực sân vận động Mỹ Đình, mới ra Hà Nội nhưng cũng bị cuốn theo vòng xoáy lợi nhuận này. Chị chia sẻ: "Vốn chị bỏ ra mỗi ngày khoảng 100.000 đồng, nhưng với mỗi cốc trà giá 2.000 đồng, mỗi ngày chỉ cần có khoảng 100- 200 khách, cộng thêm cả hoa quả, thuốc, kẹo, hướng dương… trừ chi phí, mỗi ngày thu nhập của chị không dưới 200.000 đồng, mỗi tháng không dưới 6 triệu".
"Có điều ở khu vực Mỹ Đình này, CA họ dẹp kinh lắm, có lúc chạy không kịp, mà CA đi tuần bất cứ lúc nào. Có hôm không để ý nên cũng phải mất đến 100.000 đồng tiền phạt" - chị Hoa nói.
Mùa nào thức ấy… vẫn "hốt bạc"!
Nhìn chung, hàng nước vào mùa đông thường kém thu hơn so với mùa hè vì thế mà nhiều "nhà đầu tư" cũng biết "gió chiều nào thì xoay chiều ấy", mùa đông từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau, họ quay sang kinh doanh bánh khoai, bánh chuối. Chuyển ngành kinh doanh theo thời vụ liệu có khiến cho nguồn thu của họ bị ảnh hưởng?
Chị Hiên bán bánh khoai đã hơn 6 năm tại ngõ 175 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, cho biết: "Mùa hè thì chị bán nước mía, trà đá, nhân trần, mùa đông thì quay sang bán bánh. Mỗi tối chị bán hết 6kg khoai lang, khoảng 20 bắp ngô, 5 nải chuối, 50 chiếc xúc xích". Đồ nghề bán bánh thậm chí có phần còn đơn giản hơn so với bán nước, chỉ cần 2 chảo dầu, 2 bếp than tổ ong, lọ tương ớt, vài chiếc ghế nhựa và một vài hộp giấy ăn. Công việc không mấy nhọc nhằn này cũng ngốn của chị Hiên cả ngày, buổi sáng chị đi chợ mua nguyên vật liệu. Công tác chuẩn bị để hành nghề bao gồm rửa, gọt khoai và tách ngô. Chỗ ngồi xong xuôi, 2g chiều chị bắt đầu rán bánh. Chị Hiên bật mí: "Hằng ngày, tôi mua khoai, ngô, chuối, dầu ăn, tương ớt từ chợ đầu mối (chợ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) với giá buôn. Trung bình khoảng 15.000 đồng/kg khoai, 7.000 đồng/bắp ngô, 10.000 đồng/nải chuối, 10.000 đồng/0,5kg bột mì, thêm gia vị dầu ăn và tương ớt nữa. Với sự đầu tư như vậy, mỗi chiếc bánh được bán ra là 5000 đồng".
Tương tự, bánh chuối, bánh ngô cũng như vậy. Một bắp ngô tách hạt làm được khoảng 4 chiếc bánh. Chị Hiên có thể rán 100 chiếc bánh hết khoảng 50.000 đồng tiền dầu ăn, mà càng đổ nhiều dầu thì bánh càng giòn, phồng, bắt mắt. Ngoài ra chị Hiên còn bán thêm xúc xích rán, mỗi ngày chị bán được khoảng 50 chiếc xúc xích rán với giá 10.000 đồng/chiếc. Như vậy, tổng thu nhập mỗi tối từ "gánh hàng bình dân" của chị lên tới 600.000- 700.000 đồng. Một tháng gần 20 triệu đồng. Đây đúng là một con số khiến ai nghe thấy cũng phải giật mình.
Chị cũng cho biết thêm : "Ngày trước chị đi làm may, nhưng thu nhập thấp nên chị chuyển sang bán bánh. Thu nhập từ bán bánh cao thật đấy nhưng cũng chỉ bán chạy vào mùa đông. Nhưng không phải ai bán bánh cũng lãi vì phải có bí quyết của mình". Chị Thủy bán bánh khoai ở phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy cho biết: "Mùa đông chị chuyển sang bán bánh, nhưng cũng vẫn kiêm cả bán nước. Khách ăn bánh xong, chị bán được cả nước uống nữa. Chỗ chị ngồi không phải là khu vực đắc địa nên mới rảnh tay duy trì được cả hai hình thức này".
Mỗi ngày chị cũng bán hết khoảng 4kg khoai, 15 bắp ngô, 5 nải chuối, chưa kể xúc xích và nước. Chị cho biết, trừ mọi chi phí chị cũng lãi khoảng 200.000- 300.000 đồng/tối. Đúng là những đồ ăn, thức uống phục vụ tất cả các thực khách này không phải chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào, không phải chịu sự truy thu thuế mà lại có nguồn lợi nhuận kếch sù đã hình thành nên một nét "văn hóa vỉa hè" mà chỉ Hà Nội mới có.
Tuệ Minh